Khi trẻ bị đuối nước, việc sơ cứu không đúng cách sẽ làm trễ khoảng thời gian vàng là 5 phút đầu, thậm chí gây thêm các tổn thương cho trẻ.
Các bước sơ cứu đúng khi trẻ bị đuối nước
Bước 1: Gọi người giúp đỡ và nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
Bước 2: Đặt trẻ nằm nơi khô ráo, thoáng khí. Kiểm tra xem trẻ có bị chấn thương cột sống cổ hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ cho trẻ bằng túi cát… và tiến hành khai thông đường thở cho trẻ
Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực…
Bước 4: Sau khi trẻ tỉnh, cần đặt ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng trẻ bị ngạt thở trở lại.
Bước 5: Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm trẻ, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo.
Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế.
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo
- Không nên để trẻ chơi một mình mà không giám sát, không cho trẻ chơi gần ao hồ, sông suối…
- Nên có rào chắn nơi ao hồ, dụng cụ vật dụng chứa nước trong gia đình. Có các biển cảnh báo tại sông ngòi, hồ nước...
- Trẻ nhỏ đi đến hồ bơi nên đi cùng người lớn, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, đặc biệt cần tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.
- Các khu vực bơi công cộng phải được giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ.
- Nhà trường và gia đình nên có các chương trình dạy kỹ năng sống, đặc biệt là dạy bơi cho trẻ để tránh những tai nạn không mong muốn.
Đặc biệt, mỗi người nên tự trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cứu đuối nước để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp tình huống khẩn cấp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
BS CKII Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương