BS Trương Anh Mậu, khoa ngoại chỉnh hình, bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM: Khi một vết thương xảy ra (do phỏng, do dao cắt...) thì quá trình lành sẹo của vết thương cũng đồng thời xảy ra. Quá trình lành sẹo này nhanh hay chậm, xấu hay đẹp còn tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố: kích thước và độ sâu của vết thương (vết thương nhỏ mà nông thì dễ lành hơn vết thương to mà sâu), vết thương có bị bầm dập mô nhiều hay ít (vết thương bị bầm dập nhiều sẽ lâu lành hơn), vết thương sạch hay bẩn (vết thương sạch sẽ mau lành hơn), yếu tố dinh dưỡng (trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin và kẽm thì vết thương lâu lành hơn), trẻ bị các bệnh lý nội khoa kết hợp (đang điều trị corticoid, thuốc chống đông máu, rối loại đông máu... thì vết thương cũng lâu lành hơn).
Còn nhiều yếu tố nữa ảnh hương đến sự lành sẹo, trong đó dinh dưỡng chỉ là một phần trong quá trình lành sẹo và cũng chỉ góp một phần trong hồi phục sẹo lành tốt hay không. Kinh nghiệm dân gian về chế độ ăn nên kiêng cữ ghẹ, cua, tôm, rau muống... sẽ gây sẹo lồi, về mặt khoa học chưa được chứng minh rõ ràng vì sẹo lồi còn tuỳ vào tính cơ địa từng người. Để tránh tối đa sẹo lồi, chị nên tránh những thức ăn mà trước khi bị sẹo bé dễ bị dị ứng, chăm sóc tốt vết thương, băng ép có tác dụng rất tốt trong chống sẹo lồi. Chế độ ăn cần phong phú: giàu đạm, nhiều vitamin, giàu khoáng chất, không cần kiêng kem quá mức cần thiết.
Theo SGTT