Trẻ em Gaza - một thế hệ có nguy cơ bị lãng quên

(PLO)- Sau gần một năm xung đột Israel-Hamas nổ ra, hầu hết cơ sở giáo dục tại Gaza đã bị phá hủy, khiến trẻ em tại dải đất này mất đi cơ hội được tiếp cận giáo dục và đối mặt nhiều nỗi đau dai dẳng.

Đối với nhiều học sinh trên khắp Trung Đông, đầu tháng 9 là thời điểm các em nô nức quay lại lớp học. Tại Dải Gaza, gần một năm xung đột Israel-Hamas nổ ra cũng là gần một năm nền giáo dục của dải đất này dường như bị tê liệt.

Khi năm học mới chính thức bắt đầu, một số người làm công tác giáo dục ở Dải Gaza đã cố gắng tìm cách tạo ra các trung tâm dạy học giữa đống đổ nát. Những nơi này có thể là trong lều, xung quanh các tòa nhà bị đánh bom hoặc tại các không gian mở nhỏ xung quanh nơi trú ẩn

Hậu quả kéo dài

Hơn 11 tháng giao tranh giữa Israel và Hamas đã tàn phá phần lớn Gaza và phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng của dải đất, bao gồm các cơ sở giáo dục. Trong khi đó, trước xung đột, Gaza là nơi trú ngụ của khoảng 1 triệu người dưới 18 tuổi.

Xung đột kéo dài khiến trẻ em Gaza đối mặt tổn thương tinh thần dai dẳng. Ảnh: REUTERS

Theo Liên Hợp Quốc, mọi trường học ở Gaza đều đã đóng cửa. Nhiều khu trường học ở Gaza hiện được sử dụng làm nơi trú ẩn cho gần 2 triệu người dân phải di dời do xung đột.

Bà Alaa Junaina - đang trú ẩn trong một chiếc lều ở miền trung Dải Gaza - cho biết con trai 4 tuổi và con gái 7 tuổi của bà đang học trong một chiếc lều gần đó. Những đứa trẻ đang học chậm hơn 1 lớp so với độ tuổi của các em.

“Điều đó khiến tôi buồn. Các con không có quần áo, ba lô hay giày dép. Nhưng chúng tôi đang cố gắng hết sức" – bà Junaina nói.

Cơ quan Liên Hợp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) cũng điều hành hàng chục trường học tại Gaza. Cơ quan này cho biết hơn 2/3 số trường học của họ đã bị phá hủy hoặc hư hại kể từ khi xung đột bắt đầu.

Ngày 11-9, lực lượng Israel đã tấn công một trường học, vốn đã chuyển thành nơi trú ẩn, thuộc quyền quản lý của UNRWA. Cuộc tấn công khiến 18 người thiệt mạng. Phía Israel cho biết các cuộc không kích của họ vào các trường học và nơi trú ẩn thuộc UNRWA là nhắm vào các thành viên Hamas.

Không chỉ vậy, trẻ em Gaza cũng phải chịu tổn thất về mặt tâm lý khi xa trường. Bà Leslie Archambeault – Giám đốc điều hành chính sách nhân đạo tại tổ chức nhân đạo Save the Children – cho biết 1 năm xa trường, xa bạn bè, sân chơi khiến trẻ em đối mặt nhiều vấn đề về an toàn và ổn định.

Theo đó, sự bất ổn, căng thẳng và mất mát có thể kích hoạt hệ thống phản ứng căng thẳng tự nhiên của cơ thể và có thể gây hại theo thời gian.

"Nếu trải qua nhiều lần hoặc duy trì trong thời gian dài, chúng có thể dẫn đến một loạt các kết quả tiêu cực về sức khỏe tinh thần. Trẻ em sẽ không dễ dàng phục hồi sau những cú sốc này" – bà Archambeault nói.

Nhiều trẻ em Gaza học trong các lều tạm, nơi trú ẩn tạm thời. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Sẽ mất nhiều năm tái thiết

Cảm thấy khó khăn trong việc xây dựng không gian an toàn để dạy học, bà Wafaa Ali – người từng điều hành một trường mẫu giáo ở TP Gaza (bắc Gaza) trước xung đột, đã quyết định mở 2 lớp học trong chính ngôi nhà của mình. Giờ đây, hàng chục trẻ em tập trung trong những căn phòng nhỏ tại ngôi nhà của bà Ali ở TP Gaza để học tiếng Ả Rập, tiếng Anh và toán.

"Các gia đình muốn con mình học cách đọc và viết thay vì lãng phí thời gian ở nhà, đặc biệt là vì xung đột sẽ không sớm kết thúc" – bà Ali nói.

Những nhà giáo dục cá nhân như bà Ali chỉ có thể tiếp cận được một tỉ lệ nhỏ trẻ em bị tước mất quyền được giáo dục do xung đột.

Phía UNRWA cho biết họ đang triển khai một chương trình quay trở lại trường học, dự kiến giúp đưa khoảng 28.000 trẻ em trở lại trường. Chương trình đầu tiên sẽ tập trung vào việc giáo dục tâm lý, nghệ thuật, thể thao và nguy hiểm của vật liệu nổ, sau đó sẽ đi sâu vào đọc, viết và toán.

“Quá nhiều trường học trở thành nơi không thể học được. Chúng đã trở thành nơi của sự tuyệt vọng, đói khát, bệnh tật và chết chóc. Trẻ em càng ở trong đống đổ nát của một vùng đất bị tàn phá này càng lâu thì nguy cơ trở thành một thế hệ bị lãng quên càng cao. Đây là công thức cho sự phẫn nộ và chủ nghĩa cực đoan trong tương lai” – ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu UNRWA, cho biết.

Theo dữ liệu năm 2022 từ Liên Hợp Quốc, trước xung đột, khoảng 88% học sinh ở Gaza đã hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản và khoảng 63% trẻ em hoàn thành chương trình giáo dục trung học. Tỉ lệ mù chữ ở Gaza dao động quanh mức 2% – thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, giờ đây, tỉ lệ này có nguy cơ tăng lên do trẻ em đã lâu không được đến trường.

Theo ông Mouin Rabbani - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Xung đột và Nhân đạo (Qatar), Gaza có tỉ lệ tiếp cận giáo dục tương đối cao mặc dù nơi này còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, người dân tại đây từ lâu có truyền thống hiếu học và được Liên Hợp Quốc, cũng như nhiều tổ chức phi chính phủ khác hỗ trợ.

Xung đột cướp đi cơ hội học tập của nhiều trẻ em Gaza. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Ngoài ra, theo ông Rabbani, nhiều người Palestine ở Gaza đã quen với việc mất đất đai, nhà cửa và tài sản.

"Khi bạn trải qua trải nghiệm đó nhiều lần, bạn bắt đầu coi trọng thực sự những gì có thể vận chuyển được. Và giáo dục là thứ bạn có thể mang theo bên mình bất cứ nơi nào bạn đến" – ông Rabbani nói.

Ông Rabbani cho rằng việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng giáo dục đã bị phá hủy tại Gaza sẽ mất rất nhiều năm, nhưng người dân nơi đây sẽ có cách tiếp cận từng phần để quay trở lại trường học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới