Vụ nổ máy nhắn tin có đẩy Israel-Hezbollah đến bờ vực chiến tranh toàn diện?

(PLO)- Trung Đông bước vào vòng xoáy căng thẳng mới khi nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) cáo buộc Israel gây ra vụ nổ trên loạt máy nhắn tin ở Lebanon khiến nhiều người thương vong.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những diễn biến căng thẳng ở Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt khi mới đây nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) cáo buộc Israel đứng sau một vụ tấn công quy mô lớn nhắm vào các thành viên của nhóm này cũng như dân thường Lebanon.

Một sự cố bất ngờ hay một vụ tấn công tinh vi?

Khoảng 3 giờ 30 chiều 17-9 (giờ địa phương), một loạt máy nhắn tin cầm tay bất ngờ phát nổ trên khắp Lebanon, bao gồm các khu vực miền nam Lebanon, vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut và Thung lũng Bekaa ở phía đông - tất cả đều là thành trì của Hezbollah.

Theo hãng tin Reuters, loạt vụ nổ kéo dài trong khoảng một giờ và dường như nhắm vào Hezbollah khi các máy nhắn tin của hàng trăm chiến binh Hezbollah phát nổ cùng lúc.

Bộ Y tế Lebanon cho biết 9 người thiệt mạng và 2.750 người bị thương sau vụ việc, trong đó có khoảng 200 người đang trong tình trạng nguy kịch. Trong số những người bị thương có Đại sứ Iran tại Lebanon Mojtaba Amani, hãng thông tấn IRNA đưa tin. Con cái của các lãnh đạo Hezbollah cũng nằm trong số những người bị thương.

may-nhan-tin-1.jpg
Quân đội Lebanon chặn lối vào vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut ngày 17-9 sau khi xảy ra loạt vụ nổ máy nhắn tin. Ảnh: AFP

Ngay sau vụ việc, Hezbollah cáo buộc đây là vụ “tấn công có chủ đích” của Israel và thề sẽ trả đũa. “Chúng tôi cho rằng kẻ thù Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ tấn công này, khiến nhiều người tử vì đạo, gây ảnh hưởng đến dân thường và làm bị thương nhiều người với các mức độ thương tích khác nhau” - theo tuyên bố của Hezbollah.

Đài CNN dẫn một nguồn tin an ninh Lebanon rằng các máy nhắn tin vừa phát nổ là máy mới và đã được Hezbollah mua trong những tháng gần đây. Theo CNN, vụ việc là kết quả của một hoạt động chung giữa cơ quan tình báo Israel Mossad và Lực lượng Phòng vệ Israel.

Tờ The New York Times tin rằng các máy nhắn tin đến từ hãng Gold Apollo của Đài Loan và Israel đã giấu chất nổ vào bên trong các máy nhắn tin này trước khi chúng được chuyển đến Lebanon.

Nhà sáng lập Gold Apollo Hứa Khánh Quang nói rằng các máy nhắn tin trong vụ nổ ở Lebanon không phải do Gold Apollo sản xuất mà do một công ty ở châu Âu sản xuất và công ty này có quyền sử dụng thương hiệu của công ty Đài Loan, theo Reuters.

The New York Times dẫn lời hai quan chức phương Tây rằng vật liệu nổ, chỉ nặng từ 28-56 gam, được cấy bên cạnh pin của mỗi máy nhắn tin. Một công tắc cũng được lắp đặt vào máy để có thể kích nổ từ xa.

Theo các quan chức, các thiết bị này được lập trình để kêu bíp vài giây trước khi phát nổ để các chiến binh Hezbollah nhầm tưởng là có tin nhắn đến, khiến họ phải cầm máy lên kiểm tra màn hình. Các chuyên gia an ninh mạng cũng cho rằng đây là một vụ tấn công tinh vi chứ không phải là một sự cố.

“Những máy nhắn tin này có khả năng đã được sửa đổi theo cách nào đó để gây ra những vụ nổ như thế này. Quy mô và sức mạnh của vụ nổ cho thấy đây không chỉ là một vụ nổ do pin” - ông Mikko Hypponen, chuyên gia nghiên cứu tại công ty phần mềm WithSecure (Phần Lan) và là cố vấn về tội phạm mạng của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), nhận định.

Bà Keren Elazari - nhà phân tích về an ninh mạng tại ĐH Tel Aviv (Israel) - cho rằng vụ tấn công nhắm vào điểm yếu của Hezbollah vì đầu năm nay, lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah đã hạn chế nghiêm ngặt việc các chiến binh của nhóm sử dụng điện thoại di động do lo ngại bị Israel giám sát.

Israel đến nay vẫn từ chối bình luận về các cáo buộc liên quan vụ nổ máy nhắn tin. Tuy nhiên, theo tờ The Washington Post, dù Israel không nhận trách nhiệm thì “một cuộc tấn công tinh vi và táo bạo như thế này ở Lebanon không thể do bất kỳ quốc gia nào khác dàn dựng”.

Nguy cơ đẩy căng thẳng leo thang

Vụ nổ máy nhắn tin xảy ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah tiếp diễn và ngày càng leo thang. Ngày 16-9, nội các an ninh Israel đã bỏ phiếu nhất trí bổ sung thêm một mục tiêu chiến đấu của Israel, đó là chuyển trọng tâm sang biên giới Lebanon để đưa dân cư miền bắc Israel trở về nhà.

Vụ nổ máy nhắn tin ở Lebanon: Hezbollah rơi vào thế buộc phải trả đũa?
Đưa người bị thương đến bệnh viện tại thủ đô Beirut (Lebanon) sau khi loạt máy nhắn tin phát nổ gây thương vong lớn trong ngày 17-9. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 16-9 cũng nói với ông Amos Hochstein - đặc phái viên của tổng thống Mỹ - rằng thời gian ngoại giao với Hezbollah đã qua và sức mạnh quân sự có thể trở thành ưu tiên.

Theo giới quan sát, nếu Israel thực sự đứng sau vụ nổ máy nhắn tin vừa qua thì nguy cơ leo thang một cuộc đối đầu trực diện hơn giữa Israel và Hezbollah là khó tránh khỏi. Ông Yossi Melman - nhà báo Israel chuyên về an ninh và tình báo - cảnh báo rằng Vụ việc nổ máy nhắn tin có thể làm tăng khả năng leo thang từ khủng hoảng biên giới thành chiến tranh, đồng thời cho rằng vụ nổ là “dấu hiệu của sự hỗn loạn”.

Vụ việc có nguy cơ đẩy Hezbollah vào tình thế buộc phải trả đũa tương tự như sau vụ chỉ huy cấp cao của nhóm là ông Fu'ad Shukr bị ám sát vào tháng 8. “Tính toán sai lầm này dẫn đến việc mở rộng xung đột. Thời điểm mà Hezbollah xác định rằng Israel đã coi nhóm này là mối đe dọa dai dẳng thì đó sẽ là thời điểm họ cảm thấy buộc phải hành động bạo lực nhất” - theo CNN.

Vụ nổ cũng xảy ra trong bối Trung Đông đang trong tình trạng có thể bùng phát xung đột toàn diện bất cứ lúc nào. Cụ thể, lời đe dọa của Iran về một đòn trả đũa sau vụ lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại thủ đô Tehran (Iran) hồi cuối tháng 7 vẫn còn đang lơ lửng.

Tại Gaza, Hamas thể hiện sự đoàn kết với Hezbollah ngay sau vụ tấn công. Trước đó, ngày 16-9, Hamas cũng tuyên bố nhóm sẵn sàng chiến đấu lâu dài với Israel nhờ sự hỗ trợ từ "phe trục kháng chiến" của Iran. “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Những nỗ lực chung của chúng tôi với Houthis cùng các nhóm ở Lebanon và Iraq sẽ đánh bại kẻ thù này và khiến họ thất bại” - theo lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar.

Quốc tế phản ứng sau vụ nổ máy nhắn tin ở Lebanon

Ngày 17-9, Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Lebanon - bà Jeanine Hennis-Plasschaert lên án vụ tấn công và nói rằng vụ việc “đánh dấu sự leo thang cực kỳ đáng lo ngại”.

“Theo luật nhân đạo quốc tế, bà Hennis-Plasschaert nhắc nhở tất cả các bên liên quan rằng dân thường không phải là mục tiêu và phải được bảo vệ mọi lúc” - theo tuyên bố từ văn phòng của bà Hennis-Plasschaert.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rằng Mỹ “không liên quan” loạt vụ nổ máy nhắn tin ở Lebanon và “không biết” về bất kỳ cuộc tấn công nào trước đó. “Mỹ không biết trước về sự cố này và tại thời điểm này, chúng tôi đang thu thập thông tin” - ông Miller nói, gọi vụ việc là “sự cố” thay vì “cuộc tấn công”.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi ngày qua đã điện đàm với người đồng cấp Lebanon Abdallah Bou Habib để thảo luận về vụ nổ máy nhắn tin. Ông Araghch đổ lỗi cho Israel về vụ việc, gọi đó là “chủ nghĩa khủng bố của Israel”, đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.

Trong ngày, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi điện đàm với Thủ tướng Lebanon Najib Mikati. Ông Safadi cho hay Jordan sẽ sẵn sàng cung cấp “bất kỳ hỗ trợ nào cần thiết cho ngành y tế Lebanon”. Ông Safadi cũng nhấn mạnh nhu cầu “ngăn chặn sự leo thang nguy hiểm đang diễn ra trong khu vực thông qua việc chấm dứt chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm