Hezbollah cáo buộc Israel kích nổ hàng trăm máy nhắn tin ở Lebanon, 9 người chết, 2.800 người bị thương

(PLO)- Nhóm vũ trang Hezbollah cáo buộc Israel kích nổ hàng trăm máy nhắn tin trên khắp Lebanon làm 9 người chết, gần 2.800 người bị thương trong đó có tới khoảng 200 người nguy kịch.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Căng thẳng ở Trung Đông leo thang nghiêm trọng khi nhóm vũ trang Hezbollah cáo buộc Israel tấn công gây thương vong lớn ở Lebanon.

Loạt máy nhắn tin phát nổ, 9 người chết, gần 2.800 người bị thương

Ngày 17-9 xảy ra một loạt vụ nổ các máy nhắn tin trên khắp Lebanon làm 9 người chết, gần 2.800 người bị thương, theo đài CNN.

Chiều 17-9 (giờ địa phương), loạt máy nhắn tin cầm tay phát nổ ở miền nam Lebanon, vùng ngoại ô phía nam của Beirut và Thung lũng Bekaa phía đông - tất cả đều là thành trì của Hezbollah.

Hãng thông tấn quốc gia Lebanon ban đầu đưa tin rằng "hệ thống máy nhắn tin cầm tay đã được kích nổ bằng công nghệ tiên tiến và có báo cáo về hàng chục người bị thương".

Bộ Y tế Lebanon sau đó cho biết 9 người thiệt mạng và 2.750 người bị thương sau vụ việc, trong đó có khoảng 200 người trong số đó đang trong tình trạng nguy kịch.

Loạt máy nhắn tin ở Lebanon phát nổ, 9 người chết, gần 2.800 người bị thương
Mọi người tập trung bên ngoài một bệnh viện tại thủ đô Beirut (Lebanon) sau khi loạt máy nhắn tin phát nổ, gây thương vong lớn trong ngày 17-9. Ảnh: REUTERS

Máy nhắn tin là thiết bị không dây có thể gửi tin nhắn mà không cần kết nối internet.

Trong số những người bị thương ở Lebanon có Đại sứ Iran tại Lebanon Mojtaba Amani, hãng thông tấn IRNA đưa tin.

Một nguồn tin an ninh tại Lebanon nói với hãng tin Reuters rằng các máy nhắn tin được các thành viên của Hezbollah mang theo và nhiều chiến binh Hezbollah thương vong sau vụ nổ.

Con cái của các lãnh đạo Hezbollah cũng nằm trong số những người bị thương, nguồn tin cho biết thêm.

Chưa rõ nguyên nhân khiến các máy nhắn tin phát nổ.

Hezbollah đổ lỗi cho Israel đứng sau vụ nổ và thề sẽ trả đũa.

“Chúng tôi cho rằng kẻ thù Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ tấn công này, khiến nhiều người tử vì đạo, gây ảnh hưởng đến dân thường và làm bị thương nhiều người với các mức độ thương tích khác nhau” - theo tuyên bố của Hezbollah.

“Đây không phải là mục tiêu an ninh nhắm vào một, hai hay ba người. Đây là mục tiêu nhắm vào cả một quốc gia” - quan chức cấp cao của Hezbollah, ông Hussein Khalil, nói.

Hezbollah cảnh báo rằng “kẻ thù” sẽ phải “nhận hình phạt thích đáng theo cả cách có thể và không thể dự đoán được”.

Lực lượng Phòng vệ Israel từ chối bình luận các cáo buộc.

Phản ứng quốc tế

Ngay sau vụ việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rằng Mỹ “không liên quan” loạt vụ nổ máy nhắn tin ở Lebanon và “không biết” về bất kỳ cuộc tấn công nào trước đó.

“Mỹ không biết trước về sự cố này và tại thời điểm này, chúng tôi đang thu thập thông tin” - ông Miller nói, gọi vụ việc là “sự cố” thay vì “cuộc tấn công”.

Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc tại Lebanon - bà Jeanine Hennis-Plasschaert lên án vụ tấn công và nói rằng vụ việc “đánh dấu sự leo thang cực kỳ đáng lo ngại” trong căng thẳng xuyên biên giới Israel-Lebanon.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi ngày qua đã điện đàm với người đồng cấp Lebanon Abdallah Bou Habib để thảo luận về vụ nổ máy nhắn tin.

Ông Araghch đổ lỗi cho Israel về vụ việc, gọi đó là “chủ nghĩa khủng bố của Israel”, đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.

Hamas đã bày tỏ sự đoàn kết với Hezbollah và người dân Lebanon sau vụ nổ máy nhắn tin chết người.

“Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động xâm lược khủng bố của người Do Thái nhằm vào công dân Lebanon bằng cách kích nổ các thiết bị liên lạc ở nhiều khu vực khác nhau trên lãnh thổ Lebanon. Chúng tôi bày tỏ sự đoàn kết hoàn toàn với người dân Lebanon và những người anh em Hezbollah, đồng thời gửi lời chia buồn chân thành nhất tới gia đình các nạn nhân” - theo tuyên bố ngày 17-9 của Hamas.

Trong ngày, Jordan cho biết nước này sẵn sàng cung cấp “bất kỳ hỗ trợ y tế nào cần thiết cho ngành y tế Lebanon để điều trị cho hàng nghìn người dân bị thương”.

Các hãng hàng không châu Âu như Air France và Lufthansa đang tạm dừng các chuyến bay tới Tel Aviv ít nhất cho đến ngày 19-9 “do tình hình an ninh tại địa phương”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm