Ngay trong đêm 6-8, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, đã ngay viết một bức thư ngỏ gửi tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh Trường Marie Curie.
Trong thư, thầy Khang viết : “Sự cố xảy ra tai nạn dẫn đến học sinh L.H.L., lớp 1 trường phổ thông Gateway (Hà Nội) tử vong đã làm tôi và tất cả mọi người bàng hoàng, đau xót, tiếc thương!
Trước tiên cho tôi chân thành gửi đến quý thầy cô, quý cha mẹ học sinh trường Gateway và đặc biệt là bố mẹ của cháu L.H.L. lời chia buồn sâu sắc nhất.
Là Hiệu trưởng của một trường phổ thông có đông học sinh, nhất là học sinh nhỏ ở bậc Tiểu học, Trung học cơ sở..., có xe bus đưa đón học sinh, tôi thấu hiểu sự phức tạp và đầy rủi ro diễn ra hằng ngày. Vì vậy, vấn đề an toàn cho học sinh luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu.
Trước sự việc đau xót xảy ra ở trường Gateway hôm nay, chúng tôi thấy trách nhiệm bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng cho học sinh, đặc biệt trong việc vận hành xe bus đưa đón các con hằng ngày cần phải được thực hiện nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn nữa, đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra một sự cố đáng tiếc nào".
Ngay trong đêm nay, trường Marie Curie đã báo động đỏ trong toàn hệ thống về việc đưa đón học sinh bằng xe bus của trường:
1 - Học sinh có thể ngủ quên trên xe. Do đó, trưởng xe và lái xe phải kiểm tra xe trước khi đưa xe về bãi tập kết; đồng thời báo cáo về Trung tâm quản lý xe theo quy định.
2 - Học sinh có thể ngã hoặc va vào phương tiện khác khi lên xuống xe. Vì vậy, lái xe cần đỗ sát vỉa hè và quan sát kỹ trước khi đóng/mở cửa xe và chuyển bánh.
3 - Xe có thể đụng phải học sinh khi ra/vào nơi tập kết đón học sinh lúc tan trường. Do đó, lái xe phải đi chậm và tuân theo sự dẫn dắt của giám thị.
Tôi, các cán bộ điều hành xe bus, trưởng xe và lái xe xin hứa thực hiện các quy tắc an toàn giao thông nói chung và những quy định riêng của nhà trường nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Rất mong quý vị cha mẹ học sinh tin tưởng và yên tâm!".
Điểm danh, giao tận tay trẻ cho giáo viên, phụ huynh
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Tổng hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam -Phần Lan, cho biết việc đưa đón trẻ của trường không dùng dịch vụ bên ngoài, dùng xe của trường. Tài xế và bảo mẫu đều là nhân sự làm việc trực tiếp với trường, được huấn luyện về giao tiếp, ứng xử với học sinh, phụ huynh.
Tại trường, bảo mẫu xe buýt tiếp nhận danh sách học sinh trên tuyến buýt mà mình phụ trách. Bảo mẫu phải ghi chú khi có biến động về danh sách học sinh, học sinh nghỉ học, tạm ngưng sử dụng xe buýt, người giao trẻ/đón trẻ từ bộ phận điều phối xe buýt.
Đặc biệt, khi đón/đưa trẻ, phụ huynh/giám hộ/giáo viên phải ký tên để chắc chắn rằng bé đã được giao/nhận bởi phụ huynh/người giám hộ/giáo viên; không tự ý giao trẻ cho người không có danh sách đăng ký đón trẻ mà không nhận được yêu cầu thay đổi bằng văn bản từ phụ huynh qua bộ phận điều phối xe buýt của trường, kể cả khi trẻ luôn xác nhận đó là người thân quen. Đồng thời luôn chú ý quan sát biểu hiện sức khỏe của học sinh trong quá trình đi xe để kịp thời hỗ trợ. Đồng thời phải điền thông tin vào mẫu báo cáo tai nạn trên xe buýt nếu có sự cố xảy ra trong quá trình di chuyển và gửi mẫu báo cáo về bộ phận điều phối viên.
Khi đưa trẻ đến trường, tài xế phải kiểm tra các vị trí ngồi trên xe lần cuối trước khi đưa xe về điểm tập kết. Bảo mẫu phải ký nhận bàn giao trẻ với giáo viên và nộp danh sách về cho điều phối viên. Khi đưa đón trẻ, bảo mẫu phải lấy danh sách, ký nhận trẻ với giáo viên, kiểm tra số lượng trẻ trước và sau khi lên xe buýt.
Nên nhớ quy tắc đầu-cuối
Sau khi sự việc xảy ra, thầy Phạm Phúc Thịnh, thạc sĩ giáo dục từng làm quản lý ở một trường quốc tế, đã đưa ra một nguyên tắc mà giáo viên bắt buộc phải nhớ, đó là quy định “đầu và cuối”.
Theo thầy Thịnh, quy định đó có thể hiểu là “không bao giờ được để bất kỳ học sinh nào ngoài tầm nhìn của giáo viên”. Việc thực hiện quy tắc như sau: Khi đưa bất kỳ học sinh đi tham gia một hoạt động nào, phải có một GV là người có mặt đầu tiên ở hiện trường và một giáo viên khác là người rời khỏi hiện trường sau cùng. Quy tắc "đầu và cuối" này phải được tuân thủ ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoạt động. Trên xe, một giáo viên lên trước và ngồi hàng cuối của xe cùng với một giáo viên lên sau cùng và ngồi hàng đầu xe. Khi rời xe thì thực hiện ngược lại. Khi vào một địa điểm vui chơi, khách sạn hoặc ở bất kỳ đâu cũng thế, giáo viên rời địa điểm sau cùng phải là người rà soát tất cả vấn đề của học sinh.
Cũng theo thầy Thịnh, chính thầy đã cho một giáo viên nghỉ việc vì vi phạm nguyên tắc này. Chính giáo viên đó đã rời vị trí khi vẫn còn một học sinh đang lúi húi cột dây giày, không may học sinh đó bị trượt té và trật khớp cổ tay. Giáo viên đó đã không giải thích vì sao học sinh đó té và bị trật khớp. “Một quy định tưởng chừng như rất đơn giản nhưng không thể không thực hiện, vì với học sinh, chỉ cần sơ sẩy vài giây đủ có thể xảy ra tai nạn với hậu quả khó lường”.
Trước đó, PLO có đưa tin vào ngày 6-8, cháu LHL (sáu tuổi, học sinh lớp 1 Tokyo tại Trường Tiểu học Quốc tế Gateway, quận Cầu Giấy, Hà Nội), tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường. Sự việc khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót.