Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 (nghị quyết có tính toàn diện, có tầm nhìn dài hạn, mang tính chất đột phá) với nhiều kết quả tích cực. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa thể thỏa mãn với những gì đã đạt được. Các DN vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn.
Thời gian qua, việc thực hiện chủ trương không hình sự hóa đã có nhiều tiến bộ nhưng DN vẫn nơm nớp nỗi lo việc thực hiện chính sách thiếu nhất quán “sớm nắng chiều mưa”, “ông nói gà, bà nói vịt”. Hay sự thay đổi chính sách đột ngột, thiếu lộ trình chuyển đổi và hiện tượng hồi tố đối với các hoạt động kinh doanh, việc chậm trễ và thiếu công bằng trong việc giải quyết các tranh chấp của DN lại đang là điểm quan ngại hàng đầu.
Môi trường kinh doanh chậm cải thiện một phần là do sự chậm trễ trong cải cách thể chế, một số quy định bất hợp lý trong các văn bản pháp luật đã không được bổ sung, sửa đổi kịp thời.
Chẳng hạn như điều kiện cơ sở đóng tàu cá tại Thông tư 26/2014 của Bộ NN&PTNT yêu cầu phải có đầy đủ máy cưa vòng, máy cưa đĩa, máy cưa cầm tay, máy bào, máy đục, máy khoan, máy mài, máy hàn, máy nén khí, kích,… Nghĩa là các DN phải tự làm tất cả từ A tới Z trong khi thế giới hiện nay đang kiến thiết theo chuỗi, mạng để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Chúng ta biết rằng để sản xuất ra một chiếc máy bay, người ta phải có hàng trăm cơ sở sản xuất tại vài chục quốc gia. Tôi biết một số ốc vít của Boeing đã được sản xuất tại một hộ gia đình tại Thụy Sĩ. Nếu yêu cầu Boeing cũng phải có cái máy thủ công sản xuất ra ốc vít như các quy định ở trên thì Boeing cũng bó tay, không đáp ứng được điều kiện kinh doanh của Việt Nam.
Có không ít những quy định còn chưa hợp lý như vậy cần phải được thay đổi sớm!
Mặt khác, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện như kỳ vọng là do các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng chưa được thực hiện nghiêm túc. Với cơ chế phân định quyền hạn và trách nhiệm thiếu rõ ràng hiện nay, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo, dưới không nghe” vẫn còn phổ biến ở nhiều lúc, nhiều nơi.
Với tinh thần “đồng hành cùng DN”, chúng tôi đề nghị việc giải quyết các kiến nghị của các DN phải tránh tình trạng nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương trả lời kiến nghị theo cách chỉ “giải thích mà chẳng giải quyết”.
Bởi vì nếu không đi với DN đến cùng để đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật không còn phù hợp thì sẽ chỉ đẩy khó khăn về DN.
Chính phủ và DN cùng liêm chính. Chính phủ kiến tạo. DN sáng tạo. Đó sẽ là hành trang để Chính phủ và DN đồng hành.