Từ ngày 22-11, Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas đã chính thức đạt được thoả thuận ngừng bắn tạm thời bốn ngày nhằm trao đổi con tin, tù nhân ở Dải Gaza do Qatar đóng vai trò trung gian. Thỏa thuận ngừng bắn đánh dấu bước đột phá lớn đầu tiên trong các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột tại đây. Giờ đây, các bên đang nỗ lực để kéo dài thoả thuận ngừng bắn, tạo điều kiện cho việc có thêm người được trao trả.
Các bên thúc đẩy kéo dài thoả thuận ngừng bắn
Theo tờ The Jerusalem Post, một phái đoàn Qatar đã đến Israel hôm 25-11 để thảo luận với các cơ quan an ninh Israel về khả năng gia hạn thoả thuận ngừng bắn bốn ngày với Hamas. Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Qatar Majed al-Ansari chia sẻ việc các bên trao đổi con tin, tù nhân suôn sẻ sẽ tạo động lực để đi đến một thỏa thuận ngừng bắn bền vững, lâu dài hơn. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận đây là một con đường dài và khó khăn.
Hãng tin Al-Jazeera dẫn báo cáo của Cục Thống kê trung ương Palestine cho biết giá lương thực tại Gaza trong thời gian qua đã tăng mạnh vì nhu cầu tăng đột biến và nguồn cung bị cắt do chiến dịch quân sự của Israel. Theo đó, giá rau và bột mì tăng lần lượt lên 32% và 65%, riêng giá nước tăng tới 100%.
Ai Cập cũng bày tỏ hy vọng có thể kéo dài thoả thuận ngừng bắn thêm một, hai ngày nữa. Lãnh đạo Cơ quan Thông tin Nhà nước Ai Cập Diaa Rashwan ngày 25-11 cho biết các bên đang thảo luận gia hạn thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas và tăng số lượng con tin, tù nhân trao đổi trong những ngày tới. Nhiều quan chức Ai Cập đánh giá đàm phán “đang có dấu hiệu tích cực”, theo hãng tin AFP.
Theo kế hoạch ban đầu, thoả thuận ngừng bắn kéo dài bốn ngày và sẽ kết thúc hôm 27-11 (giờ địa phương). Hamas đồng ý thả khoảng 50 con tin, phần lớn là trẻ em và phụ nữ. Bộ Tư pháp Israel cũng công bố danh sách 300 tù nhân Palestine có thể được phóng thích, dù ban đầu Hamas tuyên bố Israel chỉ chấp nhận thả 150 người.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25-11 bình luận về thoả thuận ngừng bắn ở Gaza cho biết có “khả năng” thỏa thuận ngừng bắn sẽ được kéo dài thêm vài ngày. “Kỳ vọng và hy vọng của tôi là khi chúng ta tiến lên phía trước, khối Ả Rập và khu vực Trung Đông có thể cùng tạo áp lực lên tất cả các bên để giảm cường độ chiến sự và đưa nó kết thúc nhanh nhất có thể” - ông Biden khẳng định đồng thời nhắc lại lập trường ủng hộ Israel, theo hãng tin Al-Jazeera.
Trở ngại chính trị từ phía Israel, Hamas
Theo hãng tin Bloomberg, một số ý kiến từ Israel cho rằng thoả thuận ngừng bắn kéo dài bốn ngày và khả năng lâu hơn nữa nếu Hamas thả thêm nhiều con tin - có thể tạo thêm khó khăn cho chiến dịch quân sự của nước này tại Gaza. Chỉ một vài ngày tạm ngừng chiến sự có thể làm chậm đáng kể đà tiến công.
“Các lãnh đạo Israel rõ ràng thấy rằng họ không thể dừng lại. Dư luận Israel sẽ không cho phép họ làm vậy sau cuộc tấn công của Hamas hôm 7-10. Nếu họ ngừng tấn công sau vài ngày ngừng bắn, chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ gặp bất lợi” - cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel Yakov Amidror nhận định.
Ông Amidror thừa nhận rằng khoảng lặng hiện nay có thể sẽ giúp Hamas bổ sung và khôi phục lực lượng nhưng điều đó sẽ không làm thay đổi cán cân quyền lực ở Gaza. Israel vẫn sẽ là lực lượng chiếm ưu thế về hỏa lực và chiến lược.
Ông Netanyahu đã tuyên bố chiến dịch của lực lượng Phòng vệ Israel sẽ không dừng lại sau khi kết thúc thoả thuận ngừng bắn. Lập trường của thủ tướng Israel một phần nhằm xoa dịu những người theo đường lối cứng rắn, phản đối bất kỳ nhượng bộ nào với Hamas. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy ngay cả khi đã kiểm soát hoàn toàn miền Bắc Gaza, Israel vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự với mục tiêu “xóa sổ toàn bộ Hamas” song song với việc giải cứu toàn bộ con tin.
Về phía Hamas, nhóm này cũng sẽ mất dần sức ép lên Israel nếu tất cả con tin được thả khi thoả thuận ngừng bắn được kéo dài. Giới chuyên gia cũng cho rằng Hamas không thể nhượng bộ Israel quá nhiều vì rủi ro mất đi sự ủng hộ đối với các nhóm vũ trang Hồi giáo khác cũng đang hoạt động ở Gaza.
Theo tờ The Guardian, hòa bình lâu dài ở Gaza nếu không muốn lại rơi vào vòng xoáy bạo lực giữa Israel và Hamas cần sự hỗ trợ lớn hơn từ phía các nước thuộc khối Ả Rập. Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi đã đề cập khả năng này trong một phát biểu hồi tuần trước, khi ông đề xuất thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình Ả Rập để đảm bảo an ninh ở Gaza. Đây là một triển vọng mới và là một giải pháp thay thế kịch bản Israel tiếp tục quản lý Gaza.
Chia sẻ thêm, ông al-Sisi kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine nhưng “phi quân sự hóa và được đảm bảo chính trị và an ninh bằng một lực lượng gồm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên hợp quốc, lực lượng Ả Rập, Mỹ”. Ông khẳng định đây không phải là một nhiệm vụ tạm thời ở Gaza đối với các quốc gia Ả Rập, mà là một giải pháp dài hạn và triệt để nhằm đảm bảo nhà nước Palestine có thể tồn tại sau khi được thành lập.•
Quân đội Israel: Giai đoạn tiếp theo cho chiến dịch Gaza đang được chuẩn bị
Ông Daniel Hagari, phát ngôn viên iực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cho biết trong những ngày ngừng bắn, IDF sẽ hoàn tất chuẩn bị và sẵn sàng cho những giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến. Chỉ huy Bộ Tư lệnh phía nam Israel - ông Yaron Finkelman đã tới Dải Gaza kiểm tra các đơn vị được bố trí dọc theo ranh giới ngừng bắn và thảo luận kế hoạch tác chiến thời gian tới, theo The Jerusalem Post.
Ông Hagari cho biết IDF vẫn sẵn sàng phản ứng trước mọi mối đe dọa trong giai đoạn ngừng bắn. “Chúng tôi sẽ đáp trả bất kỳ ai đe dọa quân đội. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sự an toàn của binh sĩ và chúng tôi sẽ không thay đổi cách làm việc” - ông khẳng định.
Trả lời câu hỏi liệu Israel có lo ngại các thủ lĩnh Hamas rời Gaza trong giai đoạn ngừng bắn hay không, ông Hagari cho biết IDF tiếp tục giám sát mọi diễn biến an ninh, bao gồm hành tung của các thành viên cấp cao Hamas tại Dải Gaza và những nơi khác trên thế giới.