Triển vọng và thách thức của Nhật trong việc tham gia nhóm Ngũ Nhãn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo trang East Asia Forum, khi được hỏi về việc liệu Nhật có thể tham gia vào liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn hay không, các cựu sĩ quan tình báo Mỹ và Anh thường khẳng định khả năng này rất khó xảy ra vì Nhật khác biệt cả về văn hóa lẫn ngôn ngữ.

Ngũ Nhãn (Five Eyes) là liên minh tình báo bao gồm năm thành viên là Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand.

Tuy nhiên, theo ông Ken Kotani - Giáo sư tại Đại học Nihon (Nhật), tình hình này đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây.

Năm 2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có những nhận xét tích cực về khả năng Nhật Bản tham gia liên minh. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage cũng viết rằng "Mỹ và Nhật nên có những nỗ lực nghiêm túc để xây dựng nên mạng lưới Lục Nhãn (Six Eyes)".

Trong các nghiên cứu gần đây của mình, các chuyên gia về an ninh Nhật Richard Samuels và Brad Williams cũng đề cập khả năng Nhật gia nhập liên minh này.

Tháng 12-2020, đảng Dân chủ Tự do (LDP) - đảng cầm quyền ở Nhật - đã công bố báo cáo về việc "Hướng tới Thiết lập Chiến lược An ninh Kinh tế", nêu rõ rằng Nhật "nên tìm cách tham gia liên minh Ngũ Nhãn". Giữa lúc Trung Quốc đẩy mạnh mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, hợp tác khu vực giữa Ngũ Nhãn và Nhật dường như là một xu thế tất yếu.

Liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes - gồm 5 nước Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand). Ảnh: BLOKT

Cơ hội

Nhật đã từng bước tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh của mình trong nhiều thập niên qua và hiện tại chính phủ nước này đã sở hữu tổng cộng bảy vệ tinh trinh sát và thu thập thông tin hiệu suất cao (IGS). Trong phiên bản mới nhất, các vệ tinh này có thể cung cấp hình ảnh của bất kỳ ai trên Trái Đất với độ phân giải đến 30cm. 

Chính phủ Nhật cũng có kế hoạch xây dựng “hệ thống 10 vệ tinh”, được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo của Ngũ Nhãn, vì hầu hết các thành viên liên minh đều phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh của Mỹ. Bộ phận IGS của Nhật cũng có lợi thế trong việc phân tích tình hình các nước khu vực Đông Á như Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.

Ở cấp độ tác chiến, kể từ năm 2018, Nhật Bản đã tham gia Schriever Wargame, một sự kiện đào tạo chuyên sâu về không gian do Ngũ Nhãn tổ chức (có sự tham gia của Pháp và Đức), tạo nền tảng cho việc chia sẻ thông tin tình báo trong tương lai giữa Nhật và liên minh.

Liên quan đến tình báo tín hiệu, Cơ quan Tình báo Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng Nhật sẽ đảm trách giám sát các tín hiệu vô tuyến quân sự ở nước ngoài. Tiền thân của cơ quan này, Văn phòng Thứ hai của Hội đồng Tham mưu (Chobetsu) đã từng chia sẻ tín hiệu quân sự trong cuộc xung đột biên giới Xô - Trung năm 1969.

Chobetsu cũng từng làm việc cùng với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) để theo dõi thông tin liên lạc của Không quân Liên Xô từ căn cứ Wakkanai (Hokkaido, Nhật) và phát hiện chiến đấu cơ Nga đã bắn rơi máy bay của hãng Korean Air vào ngày 1-9-1983.

Trên bình diện quốc tế, chính phủ Nhật đã ký kết “Đạo luật Bảo vệ Bí mật ngẫu nhiên” với Mỹ vào năm 1954 và các Hiệp định Đảm bảo Thông tin Quân sự chung với Mỹ (2007), Úc (2012) và Anh (2013). Sự kết hợp của các hành động trong nước và các hiệp ước quốc tế được mong đợi rằng sẽ đảm bảo chia sẻ thông tin tình báo một cách thuận lợi giữa Nhật và liên minh.

Thách thức

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ Nhậtđã hạn chế thành lập một cộng đồng tình báo vì lo ngại công chúng nước này phản đối. Đồng thời, Tokyo cho rằng có thể dựa vào vào tình báo Mỹ để thu thập thông tin trong trường hợp khẩn cấp. Điều này đã ngăn cản Nhật thành lập một bộ máy tình báo ở nước ngoài, như CIA hay MI6, khiến nước này gặp khó khăn trong việc đóng góp thông tin tình báo con người (HUMIT) cho đồng minh phương Tây.

Bên cạnh đó, GS Ken Koani nhận định việc cung cấp ảnh vệ tinh và tín hiệu quân sự cho Ngũ Nhãn là điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ để gia nhập liên minh. Nếu muốn gia nhập liên minh, Tokyo cần phải là một phần của Hiệp định Anh - Mỹ (UKUSA) năm 1949. Đây là hiệp định cốt lõi kết nối Ngũ Nhãn, theo East Asia Forum.

Ngoài ra, GS Ken Kotani đánh giá Nhật có những điểm yếu trong hệ thống tình báo của mình, nhất là trong hoạt động trao đổi thông tin tình báo với các nước khác. Để bảo vệ bí mật quốc gia tốt hơn, chính phủ Nhật đã ban hành “'Đạo luật Bảo vệ những bí mật đặc biệt” vào năm 2013. 

Đây là đạo luật đầu tiên của Nhật đề cập các tài liệu tuyệt mật trong lĩnh vực quốc phòng và ngoại giao, các hoạt động gây hại và khủng bố. Tất cả các bộ và cơ quan của Nhật đều bị ràng buộc bởi Đạo luật, bất kỳ hành vi vi phạm nào cũng có thể sẽ bị phạt tù và mức án phạt cao nhất lên đến 10 năm tù giam. 

Hiến pháp Nhật quy định vô cùng nghiêm ngặt về bảo mật thông tin và không cho phép chính phủ tham gia vào các hoạt động thu thập thông tin tình báo trong nước. Theo đó, tình báo nước này có thể theo dõi các tín hiệu quân sự ở nước ngoài, nhưng không được phép thu thập các tín hiệu vô tuyến quân sự trong nước hay các dữ liệu liên quan trên mạng. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia được phép thu thập thông tin, song chỉ gói gọn trong việc phục vụ các hoạt động điều tra tội phạm. 

Tokyo cần đẩy mạnh phát triển, nâng cấp hoạt động thu thập thông tin tình báo cũng như sớm nới lỏng một số quy định, hạn chế để Nhật, vào một ngày không xa, sẽ trở thành thành viên của Ngũ Nhãn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm