Theo AP, quyết định trên của Bộ Bưu chính và Viễn thông Triều Tiên vừa được công bố trên trang chủ của Koryolink, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động chính của nước này.
Bên cạnh đó, một số trang web Hàn Quốc cũng bị chặn. Đây là một động thái đó cho thấy chính quyền Triều Tiên đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới sự lan truyền thông tin trực tuyến.
Tuy vậy, tờ The Independent (Anh) đánh giá quyết định này dường như không có tác động lớn đến người dân Triều Tiên bởi phần lớn họ không được truy cập Internet. Thường một số ít người có thể truy cập mạng nhưng chỉ giới hạn ở mạng Intranet do chính phủ cung cấp.
Ảnh: Thông báo mới về việc cấm sử dụng Facebook, Twitter, Youtube và các trang mạng truyền thông Hàn Quốc tại một chi nhánh cung cấp dịch vụ Internet ở Bình Nhưỡng ngày 1-4. ẢNH: AP
Trước đây người nước ngoài vẫn có thể lướt web không hạn chế dù rằng các hoạt động trên mạng được cho là chịu sự giám sát bí mật của Triều Tiên.
Với các quy định mới, du khách hoặc một lượng nhỏ người nước ngoài đang sinh sống tại Triều Tiên sẽ gặp khó khăn trong việc chia sẻ các thông tin mang tính cập nhật về quốc gia này ra thế giới bên ngoài.
Theo thông báo, bất cứ ai cố tình truy cập vào các trang web bị chặn hoặc sử dụng chúng để truyền các dữ liệu chống Triều Tiên sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ mức độ xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
Triều Tiên bắt đầu mở dịch vụ Internet vào năm 2013 khi đó người nước ngoài được phép sử dụng 3G trên điện thoại di động. Kể từ đó, những người sinh sống tại Triều Tiên đã đăng tải các dòng cập nhật lên Facebook từ trong lãnh thổ Triều Tiên cũng như bình luận trên Twitter, tạo hình ảnh Instagram và thậm chí truyền trực tiếp video qua Internet.