Triều Tiên là một trong những quốc gia sở hữu lực lượng quân đội đông nhất thế giới với khoảng 1,3 triệu binh sĩ tại ngũ. Tuy nhiên, phần lớn quy mô vũ khí khí tài của Quân đội Nhân dân Triều Tiên vẫn phụ thuộc vào các thiết bị của Liên Xô từ thời Chiến tranh Lạnh nên khó có thể cạnh tranh với các thiết bị tân tiến từ những đối thủ của Bình Nhưỡng là Mỹ và Hàn Quốc.
Để bù đắp khoảng cách này, Triều Tiên đã xây dựng một lực lượng đặc nhiệm rất ấn tượng, có khả năng tiến hành chiến tranh bất đối xứng trước các đối thủ được trang bị tốt hơn, theo tờ The National Interest.
Lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên ‘mạnh hơn vũ khí hạt nhân’
Từ đầu những năm 1960, Triều Tiên đã ban hành chính sách quốc phòng được gọi là Nguyên tắc quân sự bốn điểm, trong đó có chỉ thị về hiện đại hóa quốc phòng, tập trung vào những lĩnh vực mang lại lợi ích chiến lược lớn nhất với chi phí thấp nhất.
Chính sách trên đặt trong bối cảnh bị trừng phạt, cấm vận đã thúc đẩy Triều Tiên ưu tiên đầu tư cho lực lượng đặc nhiệm ngay từ năm 1966. Suốt thời gian từ năm 1966 đến năm 1969, lực lượng đặc nhiệm của quân đội Triều Tiên được cho là đã nhiều lần xâm nhập vào Khu phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên và gây ra nhiều thiệt hại cho binh sĩ Mỹ và binh sĩ Hàn Quốc.
Hiện nay, lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên có tới 200.000 binh sĩ, là một trong những đội quân đặc nhiệm đông nhất thế giới và được huấn luyện bài bản. Trang 19FortyFive nhận định rằng Lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên thậm chí còn mạnh hơn vũ khí hạt nhân của nước này.
Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ vào tháng 5-2013 lưu ý rằng “Lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên nằm trong số các lực lượng được huấn luyện cao nhất, được trang bị tốt, được ăn uống tốt nhất và có động lực cao nhất trong quân đội Triều Tiên”.
Lực lượng này có 5 nhiệm vụ chính: Trinh sát; thực hiện các hoạt động chiến đấu kết hợp với các hoạt động thông thường; thiết lập mặt trận thứ hai ở hậu phương của kẻ thù; chống lại lực lượng hoạt động đặc biệt của kẻ thù ở hậu phương của Triều Tiên và duy trì an ninh nội bộ.
Lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên được chia thành nhiều lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ và bắn tỉa, phân bổ khắp Lục quân, Hải quân, Không quân và Tổng cục Trinh sát (là cánh tình báo của quân đội Triều Tiên.
Vai trò của lực lượng đặc nhiệm nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên
Thời gian gần đây, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi sửa đổi hiến pháp của nước này nhằm xác định lại Hàn Quốc là “quốc gia thù địch chính” và thường xuyên đưa ra những cảnh báo về “chiến tranh” làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên.
Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng nếu xung đột nổ ra, quân đội Triều Tiên sẽ huy động toàn bộ lực lượng đặc nhiệm để tận dụng khả năng chiến tranh bất đối xứng với hy vọng đạt được lợi thế sớm mang tính quyết định giúp chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột theo hướng có lợi Triều Tiên.
Các chuyên gia cho rằng khi đó lực lượng này sẽ nhanh chóng băng qua Khu phi quân sự, xâm nhập vào Hàn Quốc bằng cả đường bộ, đường biển và trực thăng.
Khi sử dụng lực lượng đặc nhiệm, quân đội Triều Tiên có thể sẽ nhắm mục tiêu vào các khu vực phía sau chiến tuyến, có thể nằm sâu trong lãnh thổ Hàn Quốc và lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên sẽ nhắm vào cơ sở hạ tầng và nhân sự của Hàn Quốc.
Lực lượng đặc nhiệm có thể sẽ ưu tiên “chiếm giữ và tiêu diệt” các mục tiêu quân sự quan trọng, bao gồm sân bay, căn cứ hải quân, cơ sở cảng, kho chứa nhiên liệu và các địa điểm phóng tên lửa. Lực lượng đặc nhiệm cũng đóng vai trò ngăn chặn quân tiếp viện và vật tư quân sự mà nước ngoài viện trợ cho đối phương.
Thông thường, lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên sẽ hoạt động trong trang phục dân sự, hoặc có thể trong quân phục của đối phương. Lực lượng này có khả năng hòa nhập tốt vào dân thường hoặc lực lượng địch với khả năng di chuyển lén lút nên rất khó bị phát hiện.
Bên cạnh đó, lực lượng đặc nhiệm của Bình Nhưỡng thường hoạt động với quy mô đơn vị nhỏ, chỉ từ 3-5 thành viên. Mỗi đơn vị chỉ mang theo một số lượng thiết bị hạn chế, có thể là súng trường tấn công AK-47 hoặc M-16, một số lựu đạn cầm tay, dụng cụ phá hủy, bệ phóng rocket. Điều này giúp họ hưởng được lợi thế tương tự chiến tranh du kích.
Theo The National Interest, nếu chiến tranh thực sự xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, lực lượng đặc nhiệm của quân đội Triều Tiên sẽ là một nhân tố cực kỳ đáng gờm và cái giá của cuộc chiến sẽ là rất lớn nếu lực lượng này kết hợp cùng vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Triều Tiên đang sở hữu.