Trước những tiêu cực cũng như độc hại của game lậu, game cờ bạc… Chính phủ đã ban hành Nghị định 147 để quản lý trò chơi điện tử trên mạng. Cụ thể, các trò chơi phải bắt buộc thực hiện những nguyên tắc do luật đề ra, phân loại theo độ tuổi, có giấy phép, giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi, nếu trò chơi vi phạm pháp luật sẽ bị yêu cầu gỡ bỏ...
Bạn đọc nghĩ sao khi game được quản lý chặt chẽ hơn?
Chị Ngọc Hân (ngụ Tân Bình, TP.HCM) cho biết từ bao giờ game đã trở thành một phần trong cuộc sống của chị, bởi nó giúp giải toả căng thẳng, áp lực. Chị Hân tải và chơi khá nhiều game trong điện thoại với các thể loại game khác nhau.
“Thường lúc làm việc quá áp lực hay có một ít thời gian rảnh tôi sẽ chơi những game đơn giản như Candy Crush, Temple run. Những game này không phải dùng trí não nhiều, hơn nữa có thể chơi offline. Còn lúc có thời gian rảnh nhiều, tôi sẽ luyện những trò thiên về trí não. Thời gian chơi game của tôi phụ thuộc vào tâm trạng và thời gian biểu ngày hôm đó, mỗi ngày tôi chơi ít nhất 1 tiếng” - chị Hân nói.
Anh Nhật Duy (25 tuổi, ngụ Đồng Nai) cho biết anh bắt đầu chơi game từ khi còn học cấp 2, lúc đó không có điện thoại di động nên phải đến tiệm game chơi trên máy tính. Từ khi có điện thoại thông minh thì anh chuyển hẳn sang chơi game điện thoại vì tiện lợi nhỏ gọn, có thể chơi mọi lúc.
“Tôi là người mê game, hôm nào không chơi game cảm giác sẽ thiếu một thứ gì đó. Dù đi làm về mệt tôi cũng sẽ cùng bạn bè hoặc một mình cày game Liên quân, game này tôi cày chắc cũng vài năm rồi. Tôi cực thích những game chiến thuật, nhập vai như vậy” - anh Duy nói.
Khi được hỏi về các quy định cho game vừa được ban hành, chị Hân và anh Duy chia sẻ đây là lần đầu được nghe về những quy định này. Cả hai cho biết những game mình chơi đều là game lành mạnh, do vậy có thể các game sẽ tiếp tục được duy trì nếu tuân thủ đầy đủ các quy định đưa ra. Ngoài ra, việc đặt ra các quy định sẽ giúp môi trường mạng phát triển lành mạnh hơn, tránh những tiêu cực cũng như tệ nạn từ các game lậu, game cờ bạc.
Chị Ngọc Mai (ngụ Vĩnh Long) cũng cho biết ở Việt Nam, hầu như các trò chơi được tải về từ hai kho ứng dụng lớn là Google Play và App Store. Việc các quy định đưa ra sẽ rất phù hợp và dễ quản lý với các trò chơi trong ứng dụng này. Tuy nhiên, số ít trò chơi khác được tải từ các ứng dụng nhỏ hoặc tải trực tiếp từ các trang web, như vậy rất khó để quản lý, cần có phương án với trường hợp này.
“Hiện nay nhiều phụ huynh không có thời gian nên đưa điện thoại, máy tính bảng cho con chơi game vô tội vạ dẫn đến nhiều hệ luỵ. Bản thân tôi chỉ dám cho các con chơi 20 phút mỗi ngày, vừa chơi vừa học, bên cạnh các game bạo lực, game có nội dung không tốt thì cũng có những game khá bổ ích. Tuy nhiên, nhiều game hiện nay chưa phân loại được độ tuổi nên tôi phải tự tìm hiểu, nếu quy định sau này phân loại độ tuổi thì sẽ tiện ích hơn” - chị Mai chia sẻ.
Sản xuất game phải tuân thủ quy định pháp luật
Theo Nghị định 147, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho người chơi tại Việt Nam phải có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng; Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng khi đăng tải trò chơi điện tử lên kho ứng dụng.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho người sử dụng tại Việt Nam, gồm cả việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam để thực hiện cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng theo quy định.
Bên cạnh đó, điểm đáng lưu ý trong nghị định, doanh nghiệp, nhà sản xuất trò chơi điện tử phải đảm bảo người chơi chưa đủ 18 tuổi chơi một game không quá 60 phút trong ngày.
Đối với người chưa đủ 18 tuổi chơi nhiều trò chơi điện tử trong một ngày, thì thời gian cũng không được quá 180 phút.
Những đơn vị phát hành phải có thông tin khuyến cáo "chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe", thông tin phải được hiện tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị với tần suất 30/lần trong suốt quá trình chơi.
Doanh nghiệp phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin người chơi tại Việt Nam, gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại và bắt buộc phải xác thực tài khoản người chơi bằng số điện thoại di động. Đối với người dưới 16 tuổi, phải có cha/mẹ hoặc người giám hộ đăng ký thông tin.
Ngoài ra, cần phải đảm bảo các điều kiện về nội dung game như không mô phỏng trò chơi trong sòng bài, sử dụng hình ảnh lá bài hay các hành động khiêu dâm, bạo lực và trái thuần phong mỹ tục. Đặc biệt phải phân loại theo lứa tuổi.
Khi các doanh nghiệp không tuân thủ những quy định của luật đưa ra, cơ quan chức năng sẽ đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; thu hồi Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, Quyết định phát hành trò chơi điện tử, Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử.
TP.HCM quyết tâm quản lý các trò chơi điện tử trên mạng
Tại hội nghị triển khai quy định pháp luật về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng Internet diễn ra vào đầu tháng 11-2024 tại TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở TT&TT TP.HCM, cho biểt vẫn còn tồn tại một số vấn đề về chấp hành pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.
Đơn cử, một số doanh nghiệp được cấp Giấy phép G1, Giấy chứng nhận G2, G3, G4 nhưng không triển khai cung cấp dịch vụ, không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Hay nhiều doanh nghiệp không triển khai hoặc triển khai không đầy đủ các biện pháp kỹ thuật để quản lý thông tin cá nhân người chơi...
Từ đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ các game vi phạm bản quyền, game không phép, game cờ bạc và bạo lực, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trên mạng; rà soát và phối hợp ngăn chặn quảng cáo game không phép để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng Internet trên địa bàn TP.
Triển khai các quy định pháp luật về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.
Đánh giá những tác động, mặt được và hạn chế của các cơ chế chính sách để trên cơ sở đó đề xuất xây dựng các giải pháp hiệu quả, hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, phát hành game.
Thời gian tới, cần quán triệt đầy đủ và xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vi phạm các quy định.
Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc, trong đó lưu ý không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng trò chơi để thực hiện hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, đồng thời triển khai các giải pháp để phòng ngừa các đối tượng phạm tội lợi dụng trò chơi để thực hiện hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc theo.