Tro xỉ nhà máy nhiệt điện là tài nguyên?

Ngày 3-10, tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức hội thảo “Sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Quang cảnh hội thảo ngày 3-10 tại Cần Thơ. Ảnh: NN

Tại hội thảo, rất nhiều đại biểu đưa ra các tham luận với nội dung sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng, san lấp nền đường, sản xuất gạch không nung, xi măng…

Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đã đặt vấn đề: Các nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ như thế nào để tro xỉ đưa ra san lấp đường, làm vật liệu xây dựng được?

Ông Tịnh cho biết theo quy hoạch thì điện hạt nhân tạm dừng chưa làm, thủy điện đã khai thác 90%, năng lượng tái tạo hay năng lượng sạch (gió, năng lượng mặt trời) không phải nơi nào cũng làm được. Cho nên con đường lựa chọn điện than đối với Việt Nam là không còn con đường nào khác. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện phía Bắc đã quen với việc sử dụng tro xỉ và họ đã bán tro xỉ nhưng phía Nam lại chưa có thói quen sử dụng tro xỉ này. Ở Nhật, người ta đã sử dụng 90% tro xỉ để san lấp, vật liệu xây dựng, gạch không nung…

“Các cơ quan liên quan phải rà lại, coi xỉ than này là chất thải công nghiệp thì phải có quy định phù hợp, loại bỏ những thủ tục hành chính không liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Cạnh đó, công tác tuyên truyền sử dụng cần phải đẩy mạnh để có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này”  - ông Tịnh nói.

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết địa phương còn e ngại cơ sở pháp lý (sử dụng tro xỉ) chưa rõ. Ảnh: NN

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh (nơi có cụm nhiệt điện than Duyên Hải), cho biết lâu nay nhiều người hiểu nó là nguy hại nên gạch không nung đưa ra thị trường người dân ngại vẫn vì sợ tồn dư kim loại nặng ảnh hưởng sức khỏe.

“Nếu đúng (tro xỉ) là chất thải thông thường thì dễ cho địa phương xử lý. Tro xỉ mà sử dụng được như các đại biểu nói thì là cơ hội cho các tỉnh. Hay như tro xỉ được dùng để san lấp làm đường thì rất thuận lợi nhưng địa phương vẫn không dám vì cơ sở pháp lý chưa rõ. Do đó, địa phương cần được biết các văn bản quy định pháp luật cụ thể là có nguy hại hay không. Chứ theo quy định hiện nay thì vẫn phải chờ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sử dụng tro xỉ…” - ông Dũng góp ý.

Ông Trần Văn Lượng đến từ Cục Kỹ Thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết tất cả tro xỉ của 21 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành đều được phân tích và xác nhận là chất thải rắn thông thường. Tuy nhiên, theo quy chuẩn Việt Nam về ngưỡng chất thải nguy hại thì tro bay của các nhà máy nhiệt điện than thuộc đối tượng “có khả năng” là chất thải nguy hại. Đây là rào cản pháp lý, cũng là rào cản tâm lý trong ứng xử của cơ quan quản lý, người dân đối với tro xỉ nhiệt điện.

Ông Lượng kiến nghị sửa đổi Nghị định 38/2015 theo hướng loại bỏ giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường để các doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng dễ dàng tiếp cận và xử lý, tái chế tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than. Ngoài ra ông Lượng còn đề nghị sửa nhiều văn bản khác có liên quan. Đồng thời, phải coi tro xỉ là nguồn tài nguyên và đầu vào của ngành công nghiệp xây dựng chứ không phải chất thải nguy hại.

Đáp lại băn khoăn về tro xỉ là chất thải loại gì, ông Nguyễn Thành Nam đến từ Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT khẳng định tại hội thảo tro xỉ là chất thải thông thường, được quản lý theo quy định về chất thải thông thường.

Kiến nghị của công ty sản xuất xi măng liên quan đến tro xỉ của nhà máy nhiệt điện. Ảnh: NN

Theo một báo cáo tại hội thảo, đến năm 2017, lượng tro xỉ, thạch cao tồn chứa trên cả nước khoảng 40 triệu tấn. Hằng năm thải ra khoảng 15 triệu tấn. Dự kiến nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2018 là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn và đến năm 2030 là 422 triệu tấn.

Ông Châu Văn Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn Fly Ash an Cement, cho biết công ty này đã tiêu thu tro bay cho các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, Hải Phòng… với khối lượng hằng năm khoảng 100.000 tấn. Vấn đề đặt ra là công ty này phải mua tro bay với giá 1 USD/tấn trong khi có nhà máy nhiệt điện vẫn phải chi phí hàng trăm ngàn đồng/tấn tro bay chôn lấp. Ông Thành cho đó là một bất cập vô cùng lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới