Sau những chuyến ra khơi, ngư dân miền Trung về âu thuyền Thọ Quang, TP Đà Nẵng - cảng cá lớn nhất miền Trung để bán hải sản cho thương lái và nạp nhiên liệu cho chuyến đi tiếp theo. Tuy nhiên, khi vào cảng thì ngư dân lại phải lo lắng vì trộm cắp, cướp hải sản, bảo kê giành hàng...
Trộm liên tục viếng tàu
Ông Đ., quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng - chủ tàu cá ĐNa 903... cho biết tàu của ông từng nhiều lần bị trộm khi vào neo đậu tại cảng cá này. “Bọn trộm lấy ngư lưới cụ rất mắc tiền nhưng đem bán không được mấy đồng” - ông nói.
Ông cho hay năm 2014 tàu ông bị mất cắp liên tục ngư lưới cụ, phải bỏ ra gần 200 triệu đồng để mua sắm lại. Không chỉ tàu cá của ông bị mất trộm mà nhiều tàu cá ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi… khi vào cảng này cũng liên tục bị trộm viếng. “Vừa rồi tàu anh Hoàng Văn T. ở Thăng Bình, Quảng Nam neo đậu ở âu thuyền này bị mất trộm rất nhiều tài sản. Khi mất trộm, chúng tôi có báo cơ quan chức năng nhưng hầu hết không tìm ra thủ phạm” - ông nói.
Bạn thuyền Mai Văn Hoàng (quê Quảng Bình) ngồi gỡ lưới bị cắt toạc cho biết: Kẻ trộm lên tàu, gặp gì lấy nấy. Khổ nhất là chúng cắt lưới để gỡ chì và lấy trộm khoen (một dụng cụ hình vòng tròn bằng sắt không rỉ). “Mỗi cái khoen giá 500.000 đồng nhưng chúng mang bán sắt vụn chỉ mấy chục ngàn... Hy vọng tới đây các cơ quan chức năng sẽ có các biện pháp bảo vệ tốt hơn tài sản cho ngư dân” - anh Hoàng tâm sự.
Cảng cá Thọ Quang nơi tập trung nhiều giang hồ, trộm cắp. Ảnh: LÊ PHI
Cục chì là những thứ kẻ trộm hay cắt lưới đánh cắp.
Theo anh Hoàng, tàu anh bị trộm lấy khoen và chì. Không để ý nên ra khơi đánh bắt, khi thả lưới thì những chỗ bị cắt rơi xuống biển mất luôn.
Nhiều chủ tàu có mặt tại âu thuyền Thọ Quang cũng cho hay việc trộm cắp, giang hồ bảo kê diễn ra từ nhiều năm nay. Thậm chí có những chủ tàu vừa mới cập bến thì bị một số thanh niên đến uy hiếp và cướp hải sản. Tuy nhiên, không phải ai cũng trình báo vì sợ bị trả thù. Họ ngậm ngùi chấp nhận và coi như mình “đen đủi”.
Và giang hồ bảo kê
Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho hay trong ba tháng đầu năm 2016 đã xảy ra bảy vụ trộm cắp và đánh nhau tại cảng cá. Có vụ thanh niên tấn công cả những viên chức trực cổng ra vào cảng khi nhân viên ra nhắc chạy xe đúng hướng.
Một số công ty còn thuê các thanh niên thuộc đối tượng hình sự vào làm việc tại khu vực cảng cá và họ gây ra nhiều vụ tranh giành, đánh nhau. Năm 2015, hai nhóm giang hồ Đinh Hồ Thanh Hùng (Hùng “lai”) và Phạm Đức Hải (Hải “lốt”) từng thanh toán nhau vì giành mối làm ăn.
Bình thường âu thuyền Thọ Quang có khoảng 350-500 tàu lưu trú. Vào ban đêm, nhiều nhóm thanh niên xăm trổ chạy xe nghênh ngang trên đường.
Thượng tá Trần Tiến Dũng (Phó Trưởng Công an quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: Trước đây khu vực cảng cá rất phức tạp, từng có những vụ đâm chém, giết người xảy ra. Nhưng từ đầu năm đến nay, qua đánh giá sơ kết thì tình hình đang nằm trong tầm kiểm soát. “Các đối tượng hình sự được lên danh sách, quản lý chặt. Đây cũng là địa bàn có nhiều đơn vị quản lý, trong đó có công an, biên phòng và ban quản lý cảng cá và các lực lượng đang phối hợp để đảm bảo an ninh khu vực này” - Thượng tá Dũng nói.
Theo Công an phường Nại Hiên Đông, cơ quan này đã lập danh sách 15 người nghi vấn trộm cắp; đưa vào tầm ngắm 10 người có biểu hiện hoạt động bảo kê và hàng chục người nghi vấn sử dụng ma túy. Những vụ trộm cắp không chỉ do những đối tượng bất hảo ở khu vực bến cá gây ra mà có cả những trường hợp các ngư dân trộm cắp của nhau. Ông Ngô Văn Cát, Phó Trưởng ban Quản lý âu thuyền |