Trong khi chờ công bố điểm chuẩn đại học, thí sinh cần làm gì?

(PLO)- Sau thời gian lọc ảo, điểm chuẩn đại học sẽ được các trường công bố từ ngày 17-8 đến 19-8.

Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, quá trình lọc ảo sẽ diễn ra từ ngày 13-8 đến 17 giờ ngày 17-8.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường công bố điểm chuẩn đại học và danh sách thí sinh trúng tuyển chậm nhất vào 17 giờ ngày 19-8.

Nhiều trường đại học cho biết sẽ công bố điểm chuẩn vào ngày 17-8, ngay sau thời điểm kết thúc việc xử lý nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Cụ thể như Trường Đại học Công Thương TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội...

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trong thời gian chờ công bố điểm chuẩn đại học, nhiều thí sinh đã có kế hoạch cho riêng mình.

Lê Quốc Thịnh, thủ khoa khối C tại TP.HCM cho biết thời gian này em đã đăng ký một khóa tiếng Anh chuyên ngành về tâm lý học để phục vụ cho việc học sắp tới.

Thịnh đạt 28,75 đối với 3 môn khối C gồm Văn, Lịch sử và Địa lý. Em xét tuyển vào ngành Tâm lý học của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Trong khi đó, Nhật Quang, quê ở Nghệ An đã dành thời gian này ra Hà Nội tìm hiểu về môi trường sống cũng như thuê phòng trọ để chuẩn bị cho 4 năm học đại học sắp tới.

Về vấn đề trên, Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công Thương TP.HCM nhắn gửi đến thí sinh những điều cần làm trong thời gian chờ công bố điểm chuẩn đại học.

Theo ông, thí sinh có thể tận dụng thời gian này để làm những công việc hữu ích chuẩn bị tốt nhất cho chặng được mới sau này.

Thứ nhất, các em nên dành thời gian nghiên cứu kỹ hơn về trường đại học, ngành học mà mình đã đăng ký. Điều này giúp các em có cái nhìn rõ ràng hơn và chuẩn bị tốt cho những lựa chọn sắp tới.

Thời gian này, các em cũng nên chuẩn bị hồ sơ cá nhân, thư xin học bổng, hoặc các tài liệu khác có thể cần thiết cho quá trình nhập học hoặc xin học bổng.

Việc tham gia các khóa học online hoặc offline trong một thời gian ngắn để nâng cao kiến thức và kỹ năng cũng là điều cần thiết. Nó không chỉ giúp ích cho việc học đại học mà còn tăng cường khả năng cá nhân.

Bên cạnh đó, việc tham gia các hoạt động tình nguyện, câu lạc bộ, hoặc các chương trình ngoại khóa khác để phát triển kỹ năng xã hội và mở rộng mối quan hệ cũng là điều nên làm.

Tận dụng khoảng thời gian này, các em có thể đầu tư cải thiện kỹ năng và mở rộng vốn ngoại ngữ của mình. Điều này rất hữu ích cho việc học tập và làm việc về sau.

Đọc sách về kỹ năng sống, kỹ năng mềm, và quản lý thời gian để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống đại học.

Đặc biệt, các em nên dành thời gian cho những sở thích cá nhân như đọc sách, vẽ tranh, chơi nhạc cụ, hoặc thể thao. Điều này giúp giảm căng thẳng và phát triển bản thân một cách toàn diện.

Ngoài ra, các em có thể tìm hiểu, nghiên cứu các công việc làm thêm phù hợp với sinh viên để có thể kiếm thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm làm việc; tìm kiếm thêm lời khuyên từ các anh chị đã học tại trường hoặc ngành mình quan tâm để có cái nhìn thực tế hơn về môi trường học tập và cuộc sống sinh viên.

Cuối cùng, các em cũng đừng quên dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn sau những tháng ngày ôn thi căng thẳng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới