Những ngày này, thí sinh trên cả nước đang thực hiện bước cuối cùng là thanh toán lệ phí để hoàn tất việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học và xét tuyển cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Số thí sinh đăng ký xét tuyển tăng cao nhất trong 3 năm
Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, kết thúc thời gian đăng ký xét tuyển vừa qua, Bộ GD&ĐT ghi nhận tổng số hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển năm 2024.
Số lượng này tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo Bộ GD&ĐT, đây cũng là năm có số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH cao nhất trong ba năm qua. Bởi ở năm 2023, có hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, tương đương 65,9% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Ở năm 2022, cả nước cũng chỉ có hơn 616.000 thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển đại học, chiếm tỉ lệ 64,1% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Việc đăng ký nguyện vọng này dành cho những thí sinh muốn xét tuyển vào đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc đã trúng tuyển sớm ở các phương thức tuyển sinh trước đó (như xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển...).
Trong đó, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức được đa số các trường sử dụng để xét tuyển với chỉ tiêu khá lớn. Phụ huynh, thí sinh vì thế cũng quan tâm, đăng ký xét tuyển ở phương thức này thường nhiều hơn.
Thực tế ghi nhận sau đợt đăng ký xét tuyển chính thức vừa qua, số lượng thí sinh và nguyện vọng xét tuyển ở nhiều trường ĐH tăng hơn hẳn năm 2023, nhất là với những ngành hot nên điểm chuẩn được dự kiến sẽ biến động theo hướng tăng nhẹ.
Nhiều trường dự báo điểm chuẩn tăng
Cụ thể như theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo ở Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, năm nay số nguyện vọng đăng ký vào trường tăng khoảng 15% so với năm trước và tăng đều ở các ngành học. Cạnh đó, có 70-80% thí sinh đã trúng tuyển sớm có đăng ký nguyện vọng lên hệ thống.
TS Nhân cũng cho biết, hiện trường còn khoảng 50% chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT, với khoảng 5.000 thí sinh. Do đó, cùng với phổ điểm năm nay tăng ở một số môn, trường dự báo điểm chuẩn đại học sẽ bằng hoặc tăng nhẹ so với năm trước.
Theo TS Nhân, các ngành học thu hút TS năm nay không thay đổi nhiều, chủ yếu tập trung vào các ngành theo xu hướng, như vi mạch, kinh doanh quản lý, cơ khí, công nghệ thông tin, tự động hóa…
Tương tự, tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), theo Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường năm nay tăng hơn khoảng 17% so với năm 2023.
Đồng thời dựa vào phổ điểm năm nay, tuy số điểm 10 ở các môn thi ít hơn năm 2023 nhưng số thí sinh có điểm cao (trên 8 điểm) nhiều hơn năm 2023. Đặc biệt là môn Hoá học và Địa lý có số điểm 10 nhiều hơn so với những năm trước. Do đó, dự báo điểm chuẩn đại học ở các tổ hợp A00, A01, B00, C00, D01, D07 sẽ tăng hơn.
Riêng với Trường ĐH Kinh tế – Luật, Thạc sĩ Cù Xuân Tiến cho biết năm nay trường xét tuyển ở 4 tổ hợp A00, A01, D01, D07 cho 15 ngành với tổng chỉ tiêu 2.600. Dự kiến điểm chuẩn đại học sẽ tương đương năm 2023, tăng nhẹ một ít ở các ngành Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Kinh tế quốc tế, Marketing.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Tiến cho rằng đây chỉ là dự kiến, còn điểm chuẩn còn phụ thuộc vào số lượng và chất lượng các nguyện vọng của thí sinh cho từng ngành.
Tại Trường ĐH Công thương TP.HCM, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, cho biết năm nay trường ghi nhận có hơn 50.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường, tăng gấp đôi so với năm trước.
Cùng với phổ điểm năm nay, ông Sơn dự đoán điểm chuẩn đại học tăng ở nhiều trường, nhiều nhóm ngành. Riêng tại Trường ĐH Công Thương TPHCM, điểm chuẩn đại học năm 2024 ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ từ 16 - 24 điểm. Các ngành hot như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics và chuỗi cung ứng mức điểm chuẩn khoảng 23 - 24điểm.
Đáng chú ý nhất là với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khi năm nay ghi nhận có mức tăng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường tăng mạnh đến 120% so với năm trước với hơn 51.000 nguyện vọng.
Do đó, đại diện trường dự báo điểm chuẩn đại học sẽ tương đương hoặc cao hơn năm 2023. Trong đó, nhóm ngành có điểm chuẩn cao như sư phạm Toán học, sư phạm Ngữ văn, sư phạm Hóa học, sư phạm Vật Lý, sư phạm tiếng Anh…
Được biết, không chỉ ở xét điểm thi tốt nghiệp THPT mà ở các phương thức xét tuyển sớm khác, điểm chuẩn nhiều ngành sư phạm trên của trường cũng ở mức cao nhất.
Lí do vì chỉ tiêu nhiều ngành sư phạm khá hạn chế và điều kiện xét tuyển ở bậc ĐH đều là những học sinh giỏi nên điểm xét tuyển hay điểm thi của các em cũng luôn ở mức cao.
Ngoài ra, một số trường ĐH khác ở khu vực phía Bắc cũng dự báo điểm chuẩn đại học theo xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng biến động theo hướng tăng nhẹ. Như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông…
Bộ GD&ĐT thông tin, sau khi kết thúc thời gian đăng ký xét tuyển nguyện vọng, từ 31-7 đến 17 giờ ngày 6-8, thí sinh bắt buộc phải thực hiện nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến thông qua các kênh bao gồm: các kênh ngân hàng; các tổ chức trung gian thanh toán (VNPT Money, ngân lượng, KeyPay, Payoo, Napas, HPay; các ví điện tử (VNPT Money, Momo, Viettel Money); và kênh thanh toán di động VNPT Mobile Money.
Thí sinh thanh toán và được xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí (biên lai thu lệ phí thí sinh có thể xem trên hệ thống xét tuyển sau ngày 6-8-2024), khi đó việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển mới được công nhận.
Sau đó, Bộ cùng các cơ sở đào tạo ĐH sẽ thực hiện lọc ảo và trả về kết quả trúng tuyển chính thức vào trước 17 giờ ngày 19-8.
Chậm nhất 17 giờ ngày 27-8, thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống và tiến hành làm thủ tục nhập học tại các cơ sở đã trúng tuyển.