Đó là nội dung đề án Dược liệu 4.0 (Trồng nhân sâm bằng phương pháp khí canh trên quy mô công nghiệp) của nhóm tác giả Nguyễn Hữu Tuấn, sinh viên công nghệ sinh học và Hoàng Diễm Hằng, sinh viên Khoa công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Dự án vừa đoạt giải nhất chung kết Giải thưởng tài năng Lương Văn Can năm 2019 với tổng giá trị 100 triệu đồng tiền mặt.
Bỗng dưng mê sâm Ngọc Linh
Sau khi chế tạo thành công máy trồng rau mầm bằng phương pháp khí canh vào tháng 3-2019, Tuấn trồng thử nghiệm cây sâm Hàn Quốc và đạt kết quả tốt. Từ đó anh bắt đầu tìm hiểu thêm với mong muốn ứng dụng công nghệ này trên cây sâm Ngọc Linh.
“Một tháng 30 ngày thì em mất 25 ngày để mày mò tìm thông tin về sâm Ngọc Linh. Càng tìm hiểu em thấy đó là loài cây tuyệt vời, không chỉ về giá trị kinh tế, lợi ích sức khỏe, tinh thần mà còn cả giá trị văn hóa. Từ đó em mong muốn làm gì đó thực sự thiết thực cho nông nghiệp Việt Nam” - Tuấn tâm sự.
Qua tìm hiểu, Tuấn biết sâm Ngọc Linh là loại dược liệu rất quý. Tuy nhiên, nguồn dược liệu quý này đang ngày càng khan hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng do bị khai thác quá mức mà thiếu sự bảo tồn.
Đó là chưa kể do nhu cầu cao nên trên thị trường sâm thật, sâm giả lẫn lộn, khó phân biệt. Trong khi đó, việc nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta còn tự phát, quy mô nhỏ, phụ thuộc nhiều vào địa lý, thời tiết và mùa vụ. Việc chưa có định hướng phát triển bền vững cũng dẫn đến sản lượng, chất lượng, giá cả dược liệu không ổn định.
“Tại sao nhắc tới Hàn Quốc người ta nhớ đến nhân sâm Hàn Quốc mà nhắc tới Việt Nam không phải sâm Ngọc Linh? Em muốn tạo ra sâm Ngọc Linh thương phẩm, có giá trị dinh dưỡng ổn định mà không phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết” - Tuấn nói.
Từ đó, cậu sinh viên táo bạo bắt đầu thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh theo phương pháp khí canh (dạng hơi sương) đầu tiên ở Việt Nam.
Nguyễn Hữu Tuấn và Hoàng Diễm Hằng nhận giải thưởng cao nhất tại chung kết Giải thưởng tài năng Lương Văn Can 2019. Ảnh: BTC
Nghỉ ít hơn, giảm đi chơi để làm việc
Tuấn giải thích nếu áp dụng công nghệ khí canh vào trồng sâm sẽ thu được các dòng sản phẩm đa dạng như cây giống, củ, thân, lá, quả... Người trồng cây theo dõi 24/24 giờ các thông số về môi trường bao gồm nhiệt độ, độ ẩm không khí, cường độ ánh sáng, độ ẩm đất và nồng độ khí CO2. Từ đó điều chỉnh các thông số thích hợp giúp cây phát triển ổn định.
Ngoài ra, phương pháp này giúp cây giống khỏe mạnh, sạch bệnh. Tỉ lệ đồng đều cao vì nhân giống theo phương pháp in vitro (nuôi cấy mô bằng tế bào thực vật), thu được rễ tơ nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng cây. Việc ứng dụng công nghệ cũng giúp người dùng truy được nguồn gốc hàng hóa, thời gian sinh trưởng phát triển của cây.
Tuấn tâm sự thực hiện dự án trên quy mô công nghiệp là ước mơ của anh nhưng nó không hề đơn giản vì cần nguồn kinh phí lớn, nghiên cứu lâu dài. Hiện Tuấn đang nghiên cứu nhân giống ban đầu theo quy mô nhỏ. “Vì có đam mê lớn với sâm Ngọc Linh nên khi tham gia cuộc thi em bỏ ra rất nhiều tâm sức. Việc học theo đó bị chậm nhiều so với các bạn, thi tiếng Anh hay tin học cũng bỏ lỡ. Bù vào đó dự án đoạt giải cao nhất và hiện đã có nhà đầu tư ban đầu nên em vui lắm” - Tuấn hồ hởi.
“Năm nay em sẽ nghỉ tết ít hơn, ít đi chơi hơn, tiết kiệm tiền tập trung vào dự án. Em sẽ nghiên cứu thật kỹ làm sao đạt được hiệu quả cả về chất lượng lẫn số lượng để sớm đưa sản phẩm ra thị trường. Em tin Hàn Quốc đã làm được điều đó với nhân sâm của họ thì thời gian tới em cũng sẽ làm được điều tương tự với sâm Ngọc Linh” - Tuấn quả quyết.
Giải thưởng tài năng Lương Văn Can 2019 thu hút 2.000 sinh viên đến từ 16 trường đại học trong và ngoài nước tham gia. Đề án Dược liệu 4.0 (Trồng nhân sâm bằng phương pháp khí canh trên quy mô công nghiệp) giành giải nhất Giải thưởng tài năng Lương Văn Can 2019. Giải nhì thuộc về Thùng rác thông minh FOW của hai thí sinh Huỳnh Tấn Long và Nguyễn Bảo Châu (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM). Chế phẩm sinh học TDM EM Beta giúp sản xuất phân hữu cơ từ phế liệu trồng nấm của nhóm thí sinh Huỳnh Văn Sĩ, Phạm Tuấn Anh, Trương Diễm Linh (Trường ĐH Thủ Dầu Một) giành giải ba. Hai giải khuyến khích thuộc về Đũa Việt của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Triac Farm - Hệ thống giám sát, điều khiển và cảnh báo vườn rau của Trường ĐH Thủ Dầu Một. |