Nhận định này được TS Phạm Duy Nghĩa, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đưa ra tại hội thảo “Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng”, ngày 4-7. TS Nghĩa cho rằng việc xác định các rủi ro trong hợp đồng PPP có nhiều mức độ khác nhau và tùy theo các mức độ ấy mà hợp đồng PPP cũng được thiết kế khác nhau.
“Nếu một dự án làm cho một TP 3-4 km đường mà đổi lấy một hòn đảo, rồi phát triển, khai thác thương mại hòn đảo đó thì rủi ro cho nhà đầu tư (NĐT) không hề lớn lắm. Hợp đồng PPP có khi bản chất là một giao dịch giữa gia đình A với gia đình B, đổi hạ tầng lấy quyền phát triển một lô đất. Như vậy thì hợp đồng cũng không cần phức tạp” - TS Nghĩa phân tích từ thực tế Việt Nam.
TS Nghĩa còn cho rằng hợp đồng PPP phụ thuộc vào niềm tin giữa các chủ thể, đặc biệt là chủ thể lãnh đạo và doanh nghiệp. “Nếu vừa ký hợp đồng mà anh em lãnh đạo mới bắt đầu nhiệm kỳ, thời gian còn 4-5 năm nữa, NĐT cũng thoát khỏi hợp đồng trong vài ba năm nữa thì không cần đầu tư quá nhiều cho các luật sư là những người diễn dịch luật chơi hay ý tưởng kinh doanh của các NĐT và giới chức chính quyền”.
Trục trặc tại một số dự án BOT giao thông gây quan ngại cho nhà đầu tư. Trong ảnh: Dự án BOT quốc lộ 91 tại TP Cần Thơ hiện dừng thu vì bị dân phản ứng. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì nói cụ thể hơn khi đề cập đến dự luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Ông Tuấn cho rằng luật này là một khuôn khổ pháp lý quan trọng cho hoạt động PPP. Bởi các NĐT tư nhân rất ngại những rủi ro từ chính sách, rủi ro từ khuôn khổ pháp luật.
“Nhiều NĐT kỳ vọng Luật Đầu tư theo hình thức PPP lần này phải bảo đảm khuôn khổ pháp lý chắc chắn. Những trục trặc của một số dự án BOT, đặc biệt là BOT giao thông thời gian qua cũng đã gây ra những quan ngại cho các NĐT thì cũng làm cho các nhà chính sách phải để ý hơn một đối tác quan trọng. Ở đây là Nhà nước, NĐT và người dân” - ông Tuấn nói.
Về các kênh giải quyết tranh chấp trong hợp đồng PPP, TS Nghĩa nói: “Bản chất của các tranh chấp liên quan tới ba bên trong các dự án PPP. Các thiết chế giải quyết tranh chấp phải linh hoạt, mang tính giải pháp hơn là tính chất phán quyết của tòa án. Trọng tài có thể là trung gian hòa giải có giá trị”.
Đồng tình, ông Phan Trọng Đạt, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam, cho hay: Hòa giải, thương lượng đã được đưa vào dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP và được coi là giải pháp đầu tiên giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng PPP. “Các bên muốn gì khi tranh chấp hợp đồng PPP? Giải quyết để tiếp tục thực hiện hợp đồng chăng? Nếu đúng là như vậy thì hòa giải là thích hợp nhất. Nó vừa linh hoạt, lại tiết kiệm thời gian lẫn chi phí” - ông Đạt phân tích.
Nhận định rằng luật pháp hiện nay của Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của PPP nhưng TS Nghĩa cho rằng: “Cái đáng sợ ở Việt Nam không phải là luật mà là các yêu cầu hành chính. Những yêu cầu này làm cho chi phí tuân thủ, giao dịch tăng lên khiến dự án PPP có thể rủi ro hoặc dừng”. |