Trung-Ấn tăng tốc cuộc đua tàu sân bay

(PLO)- Trung Quốc và Ấn Độ đang trong cuộc đua tàu sân bay, đều đang có kế hoạch đưa tàu sân bay thứ ba vào hoạt động.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ đang trong cuộc đua tàu sân bay, nỗ lực mở rộng năng lực hải quân, cùng có những động thái hướng tới việc đưa tàu sân bay thứ ba vào hoạt động, theo tờ Nikkei Asia.

Vào ngày 2-1 truyền hình nhà nước TQ CCTV phát sóng những hình ảnh mới nhất về tàu sân bay Phúc Kiến - tàu sân bay đầu tiên do TQ thiết kế và chế tạo. Những hình ảnh này cho thấy dường như có 3 đường ray máy phóng trên boong tàu.

Cuộc đua tàu sân bay - tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc
Hình ảnh mới nhất về tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc. Ảnh: CCTV

Ra mắt vào tháng 6-2022, tàu sân bay Phúc Kiến là tàu chiến lớn nhất của TQ với lượng giãn nước hơn 80.000 tấn. Để so sánh, tàu lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật là JS Izumo, có lượng giãn nước 27.000 tấn.

Tàu sân bay Phúc Kiến có thể chở từ 60 đến 70 máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm, nhiều hơn ít nhất 50% so với tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.

Tàu Phúc Kiến là tàu sân bay thế hệ mới được trang bị máy phóng điện từ, cho phép máy bay được phóng thường xuyên hơn và mang theo nhiều nhiên liệu và đạn dược hơn.

Ông Masafumi Iida - người đứng đầu chương trình nghiên cứu TQ thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật cho biết những máy phóng này "cho phép máy bay cất cánh trong khi mang theo trọng lượng tên lửa và nhiên liệu lớn hơn, giúp cải thiện tầm bắn, khả năng chiến đấu, và mở rộng các lựa chọn chiến thuật".

Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của TQ phóng máy bay bằng đường băng dốc kiểu nhảy cầu, cung cấp một số hỗ trợ nhưng vẫn yêu cầu máy bay phải cất cánh bằng động cơ của nó. Boong tàu nhỏ cũng giới hạn kích thước của máy bay mà chúng có thể chứa.

Hồi tháng 11-2023, Nhật báo Ming Pao (Hong Kong) dẫn lời giới chuyên gia rằng tàu Phúc Kiến đã thành công trong việc phóng một vật thể có bánh xe khi cập cảng Thượng Hải.

Cũng trong tháng 11, tờ South China Morning Post đưa tin rằng tàu sân bay Phúc Kiến đã di chuyển khoảng 27 m so với nơi neo đậu thông thường trước khi quay trở lại 2 ngày sau đó. Đây được xem là dấu hiệu của một cuộc kiểm tra độ nghiêng để đo trọng lượng, trọng tâm và độ ổn định của tàu sân bay.

Tuần rồi, tờ Global Times đưa tin rằng tàu Phúc Kiến có thể sớm được đưa vào thử nghiệm trên biển.

Các quan chức an ninh Nhật cũng tin rằng tàu Phúc Kiến đang tiến hành những bước chuẩn bị cuối cùng cho chuyến đi thử nghiệm. Trong khi đó, Cơ quan phòng vệ Đài Loan dự đoán tàu Phúc Kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2025.

Theo Nikkei Asia, Mỹ hiện là quốc gia duy nhất có máy phóng điện từ hoạt động trên tàu sân bay. Giới chuyên gia cho rằng năng lượng hạt nhân là cách duy nhất để đáp ứng nhu cầu năng lượng cao của các máy phóng này. Trong khi đó, tàu Phúc Kiến chạy bằng hơi nước.

“Ngay cả quân đội Mỹ cũng đã trải qua rất nhiều thử nghiệm và sai sót đối với con tàu đầu tiên được trang bị máy phóng điện từ. Sẽ phải mất thời gian trước khi tàu Phúc Kiến có thể phóng máy bay một cách suôn sẻ” - ông Iida nhận định.

tau-san-bay-An-Do-Trung-Quoc.jpeg
Tàu sân bay INS Vikrant của Ấn Độ. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân nước xanh. Chiến lược hải quân cơ bản của Ấn Độ là bố trí một tàu sân bay ở Vịnh Bengal ở phía đông và một tàu sân bay ở biển Ả Rập ở phía tây.

Ấn Độ hiện vận hành 2 tàu sân bay: INS Vikramaditya do Nga sản xuất và INS Vikrant – tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ có lượng giãn nước khoảng 43.000 tấn, được đưa vào sử dụng vào năm 2022.

Hồi tháng 10-2023, Đô đốc Hải quân Ấn Độ Hari Kumar cho biết nước này có kế hoạch đưa vào vận hành một tàu sân bay lớp Vikrant khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm