'Long đong lận đận' chuyện chế tạo máy bay cho tàu sân bay Nga

(PLO)- Tàu sân bay duy nhất còn trong biên chế Hải quân Nga đã nhiều năm không hoạt động và Nga đang đối mặt bài toán chế tạo máy bay hoạt động trên tàu sân bay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hồi tháng 7, truyền thông nhà nước Nga đưa tin tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov - tàu sân bay duy nhất còn trong biên chế của hải quân Nga có thể trở lại hoạt động vào cuối năm 2024, theo trang Business Insider.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov được sửa chữa từ năm 2017. Tuy nhiên việc đưa tàu sân bay này quay trở lại hoạt động bị trì hoãn nhiều lần do vẫn trục trặc kỹ thuật.

tau-san-bay-Kuznetsov.jpg
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga được kéo tới nhà máy đóng tàu Hải đội 35 ở TP Murmansk để bảo trì và sửa chữa tháng 5-2020. Ảnh: Getty Images

Tàu sân bay này của Nga mới chỉ thực hiện duy nhất một đợt triển khai chiến đấu trong gần 30 năm sự nghiệp. Việc đưa tàu sân bay này trở lại hoạt động sẽ là một cột mốc quan trọng. Tuy nhiên, ngay cả khi tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vượt qua các cuộc thử nghiệm trên biển theo kế hoạch thì việc trang bị cho tàu một đội bay hoạt động đầy đủ vẫn sẽ là một nhiệm vụ quan trọng với Nga.

Mặc dù đã vận hành các tàu chở máy bay hơn 50 năm, nhưng việc chế tạo máy bay phản lực cánh cố định hoạt động trên các tàu này vẫn là vấn đề với Nga.

Nga cũng từng chế tạo nhiều mẫu máy bay hoạt động trên tàu sân bay nhưng không đạt được thành tựu. Dưới đây là những mẫu máy bay dành cho tàu sân bay mà Nga từng nghiên cứu phát triển.

Yak-38

Liên Xô đã nhìn thấy những lợi thế trong thiết kế máy bay cất và hạ cánh trên đường băng ngắn hoặc thẳng đứng (V/STOL). Có thể nói Hawker Siddeley Kestre của Anh là máy bay tiêm kích-bom đầu tiên được sản xuất theo thiết kế này trong những năm 1960. Đây cũng là máy bay tiền thân của máy bay phản lực lên thẳng Harrier nổi tiếng. Liên Xô đã lựa chọn sử dụng thiết kế đó cho những máy bay hoạt động trên tàu sân bay đầu tiên của mình.

Kết quả, máy bay chiến đấu đa nhiệm Yak-38 ra đời năm 1976 – ba năm trước khi máy bay phản lực V/STOL Sea Harrier của Hải quân Anh đi vào biên chế - với tư cách là máy bay cánh cố định đầu tiên của Liên Xô hoạt động trên tàu sân bay đầu tiên lớp Kiev của họ.

Yak-38_cho tàu sân bay
Máy bay Yak-38. Ảnh: Wikipedia

Yak-38 có hai động cơ nâng sau buồng lái và một động cơ phản lực cánh quạt vector lực đẩy cùng hai vòi phun có thể điều chỉnh hướng xuống dưới để bay thẳng đứng. Các cánh phụ có thể gập lại giúp tiết kiệm không gian, đồng thời có 4 giá treo vũ khí giúp máy bay có khả năng mang khoảng 900 kg vũ khí.

Tổng cộng đã có 231 máy bay Yak-38 được chế tạo. Tuy nhiên, bất chấp những ưu điểm trên, Yak-38 vẫn bị coi là một thất bại.

Máy bay này dễ gặp các sự cố cơ khí, đặc biệt là trong môi trường nóng ẩm. Chẳng hạn, vào cuối chuyến hành trình đầu tiên của tàu sân bay Kiev vào năm 1976, chỉ có 1 trong số 6 máy bay Yak-38 còn hoạt động. Máy bay cũng gặp nhiều vấn đề với hệ thống phóng tự động. Hệ thống này vô tình được kích hoạt nhiều lần làm hỏng máy bay.

Yak-38 còn có nhiều nhược điểm khác. Tầm hoạt động, tải trọng và tốc độ của nó kém hơn so với máy bay đối thủ. Thậm chí phiên bản nâng cấp Yak-36M dù có tầm hoạt động xa hơn và gấp đôi tải trọng nhưng vẫn “lép vế” so với các máy bay hoạt động trên tàu sân bay của NATO.

Sự kém hiệu quả của động cơ nâng trên Yak-38 đồng nghĩa với việc máy bay hiếm khi cất cánh thẳng đứng vì nó tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu và hạn chế tải trọng vốn đã nhỏ của nó. Yak-38 không có radar, đồng nghĩa phi công phải dựa vào tầm nhìn trực quan hoặc các lực lượng khác của Liên Xô để được hướng dẫn.

Yak-38 có thể mang tên lửa diệt hạm Kh-23, nhưng vì là máy bay một chỗ ngồi nên phi công sẽ phải điều khiển máy bay và dẫn đường cho tên lửa cùng một lúc.

Yak-38 chỉ tham chiến duy nhất tại Afghanistan. Ít nhất 4 chiếc Yak-38 đã hoạt động cùng với các máy bay khác của Liên Xô từ căn cứ ở tây nam Afghanistan vào năm 1980. Dù đã tiến hành nhiều cuộc không kích trong đợt triển khai kéo dài 1 tháng nhưng Yak-38 vẫn chưa quen với nắng nóng bụi bặm, và đặc biệt hiệu suất hoạt động của máy bay không cao.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó đã quyết định không nâng cấp thêm và cho Yak-38 nghỉ hưu ngay sau khi Liên Xô tan rã năm 1991.

Su-33

Ngay cả khi tàu sân bay lớp Kiev đầu tiên và máy bay Yak-38 bắt đầu đưa vào hoạt động vào giữa những năm 1970 thì Liên Xô đã lên kế hoạch thay thế chúng. Vào thời điểm đó, suy nghĩ của quân đội Liên Xô về giá trị của việc kiểm soát biển và thống trị của hải quân trên không đã thay đổi. Các chỉ huy Liên Xô nhận thấy các máy bay phản lực V/STOL, đặc biệt là Yak-38 không thỏa dụng.

Su-33.jpg
Tiêm kích Sukhoi Su-33. Ảnh: Wikipedia

Liên Xô đã tìm kiếm một tàu sân bay lớn hơn và máy bay có khả năng cất cánh và hạ cánh thông thường, giống như của các nước NATO, để cung cấp phạm vi hoạt động và tải trọng lớn hơn, cũng như độ tin cậy cao hơn trong không chiến. Kết quả là tàu sân bay lớp Kuznetsov và máy bay Su-33 ra đời.

Su-33 thực chất là biến thể hải quân của tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27 với một số điểm khác biệt. Những điểm khác biệt đó có thể kể đến gầm và bộ phận hạ cánh được gia cố để hạ cánh trên tàu sân bay, cánh mũi phía trước giúp giảm khoảng cách cất cánh, diện tích cánh lớn hơn để tăng thêm lực nâng, cánh có thể gập lại và động cơ mạnh mẽ hơn.

Su-33 có vận tốc tối đa hơn 2.253 km/giờ và tầm hoạt động hơn 3.200 km. Máy bay được trang bị pháo cỡ nòng 30 mm và 12 giá treo vũ khí có thể mang hơn 6 tấn vũ khí.

Bất chấp có nhiều cải tiến hơn so với chiếc Yak-38, máy bay Su-33 cũng không đem lại hiệu quả cao. Vì Su-33 có kích thước đặc biệt lớn nên tàu sân bay Kuznetsov – vốn nhỏ hơn các tàu sân bay của Mỹ - không thể chở nhiều chiếc máy bay như vậy.

Kích thước của Su-33 cũng gây khó khăn cho việc di chuyển trên tàu sân bay. Su-33 được thiết kế để có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất, nhưng vũ khí nó mang theo lại bị hạn chế do hệ thống cất cánh kiểu nhảy cầu của tàu sân bay Kuznetsov.

Su-33 không được đưa vào sử dụng cho tới sau Chiến tranh Lạnh, và chỉ có khoảng 22 chiếc được chế tạo. Ba chiếc Su-33 đã bị rơi và chỉ còn 17 chiếc được cho là vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.

MiG-29K

Trong khi công ty thiết kế Sukhoi đang nghiên cứu Su-33 trong những năm 1980 thì Cục Thiết kế Mikoyan lại nghiên cứu chế tạo máy bay hoạt động trên tàu sân bay của riêng mình – MiG-29K. MiG-29K là phiên bản hải quân của MiG-29.

Công tác nghiên cứu MiG-29K dừng lại vào năm 1991 khi Hải quân Nga chọn Su-33 để hoạt động trên các tàu sân bay. Tuy nhiên, dự án MiG-29K đã hồi sinh trở lại vào năm 2004 cho Hải quân Ấn Độ - quốc gia đang mua tàu sân bay lớp Kiev Đô đốc Gorhskov từ Nga, đồng thời muốn máy bay này nằm trong đội bay của tàu sân bay trên.

Với vận tốc tối đa hơn 2.000 km/giờ và khả năng mang 4,5 tấn vũ khí, MiG-29K thích hợp cho các cuộc tấn công mặt đất hơn máy bay Su-33. Ấn Độ cũng chọn MiG-29K bởi vì không quân nước này đã vận hành MiG-29 và đã quen với khung máy bay này.

tau-san-bay-INS-Vikrant-1.jpg
Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ - INS Vikrant. Ảnh: The Hindustan Times

New Delhi đã đặt 2 đơn hàng, vào năm 2004 và 2010, cho 45 máy bay cùng các thiết bị liên quan với trị giá 2,2 tỉ USD. Những chiếc MiG-29K đầu tiên được Nga bàn giao cho Ấn Độ vào năm 2009 và phi đội đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 2013. Dù vậy, MiG-29K hoạt động kém hiệu quả.

Một báo cáo năm 2016 từ Tổng kiểm toán nhà nước Ấn Độ cho hay trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2015, những chiếc MiG-29K đã được giao chỉ được đưa vào sử dụng 15,93% - 47,14%. Bên cạnh những vấn đề liên quan tới khung máy bay và hệ thống điện tử hàng không của MiG-29K, báo cáo cho biết 62% số động cơ Nga chuyển giao đã ngừng hoạt động hoặc bị từ chối do các khuyết điểm, thiếu sót.

Từ năm 2018 đến năm 2022, Hải quân Ấn Độ đã mất 5 chiếc MiG-29K trong các vụ rơi máy bay. Vấn đề trở nên phức tạp hơn trước thực tế Ấn Độ hoàn toàn phụ thuộc vào Nga trong các vấn đề hỗ trợ lớn, khi Moscow từ chối chuyển giao công nghệ động cơ phản lực hay cho phép Ấn Độ chế tạo những chiếc MiG-29K của riêng nước này.

Năm 2018, Hải quân Ấn Độ cho hay mọi vấn đề về khả năng bảo trì đã được giải quyết. Hải quân Ấn Độ đã triển khai một số máy bay MiG-29K tới biên giới Ấn-Trung vào thời điểm căng thẳng giữa hai nước lên đến đỉnh điểm năm 2020. Tuy nhiên, New Delhi dường như đã sẵn sàng chuyển sang sử dụng máy bay khác.

Mặc dù việc thiết kế tàu sân bay INS Vikrant - tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ xoay quanh máy bay phản lực do Nga chế tạo, nhưng Ấn Độ đã chọn sẽ cho nghỉ hưu toàn bộ phi đội MiG-29K vào năm 2035 thay vì kéo dài thời gian phục vụ hoặc mua thêm.

Hải quân Ấn Độ lên kế hoạch mua 26 máy bay Rafale-M do Pháp chế tạo. Điều này sẽ yêu cầu thiết kế lại thang máy bay của tàu sân bay Vikrant.

Sau khi chương trình MiG-29K khởi động lại cho Ấn Độ, Hải quân Nga đã đặt hàng 25 máy bay này vào năm 2009 để sử dụng trên tàu sân bay Kuznetsov. Máy bay tham gia chiến đấu lần đầu vào năm 2016, cất cánh từ tàu sân bay trong đợt triển khai tới Syria.

Nga đã lên kế hoạch thay thế MiG-29K bằng Su-33 nhưng sau đó quyết định sẽ để những chiếc MiG-29K bổ trợ cho phi đội Su-33. Tuy nhiên, kể từ khi tàu sân bay Kuznetsov bắt đầu tái trang bị vào đầu năm 2017, không có máy bay nào cất cánh từ tàu sân bay này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm