Lý do Nga không đưa máy bay giá trị cao ra khỏi tầm bắn tên lửa ATACMS

(PLO)- Lý do Nga không đưa máy bay giá trị cao ra khỏi tầm bắn tên lửa ATACMS trên chiến trường Ukraine theo chuyên gia thì trước tiên Nga chấp nhận tổn thất sau đó mới bắt đầu tìm cách thích nghi, thay vì tiến hành các biện pháp dự đoán và phòng ngừa. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo trang Business Insider, về lý thuyết, việc Ukraine có được vũ khí tầm xa có thể làm gián đoạn chiến dịch quân sự của Nga khi buộc lực lượng phía Nga phân tán và bảo vệ binh sĩ cũng như các kho quân sự. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu Nga chỉ đơn giản là chấp nhận tổn thất thay vì đổi kế hoạch?

Nga chấp nhận tổn thất sau đó mới tìm cách thích nghi

Lấy ví dụ gần đây, trong cuộc tấn công hôm 17-10, Kiev đã sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp nhắm vào các sân bay của Nga ở miền Đông Ukraine. Ước tính 14 trực thăng của Nga bị phá hủy, trong đó có trực thăng tấn công “Cá sấu” Ka-52 vô cùng giá trị.

ka-52M.jpg
Trực thăng tấn công “Cá sấu” Ka-52M của Nga. Ảnh: Artur Lebedev/TASS

Ở đây, câu hỏi rõ ràng được đặt ra là tại sao Nga lại đặt những trực thăng nói trên nằm trong tầm bắn của tên lửa ATACMS dù Nga biết rõ Ukraine sẽ nhận được những vũ khí này.

“Dù đây là thông tin bị rò rỉ nhiều nhất và việc vận chuyển tên lửa đã được thông báo, nhưng theo tôi nếu Mỹ gửi chúng đến chính xác thời gian và địa điểm của cuộc tấn công đầu tiên thì họ (Nga) vẫn sẽ không di chuyển trực thăng đi bất kỳ đâu” – ông Michael Kofman, học giả nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế (Mỹ - viện nghiên cứu chính sách đối ngoại) nói hôm 18-10.

“Kiểu của Nga trước tiên là chấp nhận tổn thất sau đó mới bắt đầu tìm cách thích nghi, thay vì tiến hành các biện pháp dự đoán và phòng ngừa” – chuyên gia Kofman nói thêm.

Ông Kofman tin rằng các sân bay của Nga đã bị tên lửa ATACMS phiên bản đạn chùm tấn công. Đây là loại vũ khí chỉ có tầm bắn hơn 160 km nhưng được thiết kế để phá hủy lực lượng, trang thiết bị và vật liệu của đối phương.

Các máy bay chiến đấu của Nga đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến, thường được bố trí nằm ngoài hệ thống phòng không của Ukraine. Điều này đã đặt gánh nặng yểm trợ trên không cho các trực thăng tấn công của Nga.

Các lữ đoàn tấn công của Ukraine, được trang bị xe bọc thép của phương Tây, khi tiến hành chiến dịch phản công hồi tháng 6 đã đối mặt nhiều tổn thất trước các trực thăng Nga. Các trực thăng Nga nhắm tới các mục tiêu bị mắc kẹt trong các bãi mìn hoặc tiến công ngoài phạm vi của hệ thống phòng không Ukraine.

Ông Kofman và các nhà quan sát khác cho rằng các căn cứ đặt trực thăng là một trong những mục tiêu rõ ràng nhất trong các cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS của Ukraine.

Các căn cứ của Nga đặt tại TP Berdyansk (tỉnh Zaporizhia) và tỉnh Luhansk đã được thiết lập rất tốt với các bức tường ngăn và trực thăng nằm rải rác trong đó, ông Kofman cho hay. Đó là nơi nhiều trực thăng Ka-52 và tiêm kích Mi-28 cất cánh – những phương tiện đặt ra vấn đề lớn cho lực lượng Ukraine.

Bài học chiến đấu với Nga

Đây không phải lần đầu tiên lực lượng Nga ở Ukraine bị các vũ khí phương Tây tấn công. Tên lửa chống tăng vác vai Javelin của Mỹ và tên lửa chống tăng NLAW do Anh và Thụy Điển thiết kế đã gây ra tổn thất nặng cho các đội hình xe bọc thép của Nga khi tiến vào thủ đô Kiev ở giai đoạn đầu xung đột.

ATACMS.jpg
Một vụ phóng tên lửa ATACMS. Ảnh: Breaking Defense

Vào những tuần sau khi tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất được gửi tới Ukraine vào mùa hè năm 2022, chúng đã phá hủy các kho đạn dược và bốt chỉ huy của Nga. Tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh chế tạo, được cung cấp cho Ukraine đầu năm nay, đã làm hư hỏng các cây cầu quan trọng nối với bán đảo Crimea cùng với những phương tiện giá trị trên bán đảo này.

Bất chấp những ca ngợi về các vũ khí tuyệt vời trên cũng như hiệu quả ban đầu của chúng, những vũ khí này nhanh chóng mất đi tiếng vang. Nga đã tìm cách gây nhiễu các loại tên lửa dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS như HIMARS và di chuyển các kho đạn dược ra xa tiền tuyến, để chúng nằm ngoài tầm bắn của tên lửa dù phải chấp nhận đánh đổi hiệu quả hậu cần.

Vấn đề thực sự ở đây không nằm ở công nghệ quân sự, vốn không thể tránh khỏi việc bị đối phương vô hiệu hóa hoặc sao chép, mà là ở khả năng thích nghi. Tức là vừa thích nghi việc phản ứng với các thông tin tình báo về sự xuất hiện của vũ khí mới, vừa thích nghi việc thay đổi chiến thuật khi đối phó vũ khí đó trên chiến trường.

Ví dụ điển hình là sự thích nghi của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) trong cuộc chiến Yom Kippur tháng 10-1973. Trong những ngày đầu xung đột, các xe tăng của Israel đã tổn thất nặng nề khi tấn công bất chấp vào các đơn vị bộ binh của Ai Cập vốn được trang bị tên lửa chống tăng Sagger do Nga chế tạo và tên lửa chống tăng RPG-7. Tuy nhiên, chỉ trong một tuần, IDF đã áp dụng chiến thuật binh chủng kết hợp, phối hợp xe tăng, bộ binh và pháo binh, do đó giúp xe tăng Israel hoạt động hiệu quả hơn.

Điều đáng nói, lần bị tấn công tháng 10, Nga đã không dời các trực thăng tấn công quan trọng tới những căn cứ xa tiền tuyến hơn. Nga vẫn để chúng trong những sân bay dễ bị tấn công, bất chấp những cảnh báo về tên lửa ATACMS và kinh nghiệm đối phó vũ khí của Ukraine do phương Tây cung cấp.

Rút ra bài học xương máu từ những sai lầm là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Với Nga cũng vậy, đó dường như cũng là cách chiến đấu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm