Cuộc phản công của Ukraine vốn bắt đầu vào ngày 4-6 dường như chưa đạt được nhiều thành tựu đáng kể, phần nhiều do chiến thuật quân sự cùng vũ khí tiên tiến của Nga.
Theo trang The EurAsian Times, trong cuộc phản công, quân đội Ukraine phải đối mặt những thách thức không lường trước được, bao gồm các bãi mìn được bố trí hợp lý, thiết bị từ xa của Nga cũng như việc Nga sử dụng trực thăng tấn công Kamov Ka-52 Alligator.
Sức mạnh của “Cá sấu” Ka-52
Nhiều video đăng trên mạng xã hội cho thấy trực thăng Ka-52 đã phá hủy thiết giáp của Ukraine cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện thời tiết. Những mảnh vỡ bị cháy của xe bọc thép Ukraine nằm rải rác trên chiến trường không khỏi khiến giới chức nước này lo ngại về khả năng sát thương của Ka-52.
Trực thăng “Cá sấu” Ka-52. Ảnh: THE EURASIAN TIMES |
Giới chức Ukraine đã mong muốn có được tiêm kích F-16 của phương Tây với hy vọng F-16 sẽ đối phó được trực thăng Ka-52 của Nga.
Có một số lý do để có thể coi trực thăng Ka-52 là yếu tố thay đổi diễn biến cuộc phản công của Ukraine. Ka-52M, phiên bản mới nhất của “Cá sấu” Ka-52 sở hữu nhiều tính năng nổi bật.
Đầu tiên có thể kể đến khả năng của mạng lưới trung tâm. Nó được tích hợp với một hệ thống kiểm soát và chỉ huy chiến trường mới, tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu với các phương tiện bay không người lái cũng như các trực thăng và máy bay khác.
Thứ hai, trực thăng Ka-52M có bộ truyền thông băng thông cao. Radar AESA có thể phát hiện mục tiêu trên không có kích thước bằng máy bay ở khoảng cách 15 km và các mục tiêu mặt đất ở khoảng cách 12 km.
Thứ ba, Ka-52M được nâng cấp hệ thống phát hiện và nhận dạng mục tiêu quang điện tử tầm xa GOES-451M. Khả năng phát hiện của hệ thống quang học này tương đương với khả năng của radar.
Kế đến, Ka-52 có thể mang một số tên lửa không đối đất tầm ngắn, tầm trung và tầm xa để tấn công các mục tiêu thiết giáp hoặc mặt đất, kể cả các mục tiêu kiên cố.
Sự kết hợp giữa khả năng của mạng lưới trung tâm và bộ truyền thông băng thông cao cho phép “Cá sấu” Ka-52 có mặt ở nơi khó tiếp cận nhất. Ka-52 cũng cung cấp thông tin phản hồi ngay lập tức về kết quả cuộc tấn công cho các chỉ huy giám sát chiến trường.
Tên lửa của Ka-52
Ka-52 mang các loại tên lửa có thể tấn công thiết giáp, mục tiêu mặt đất hoặc cả hai. Các loại tên lửa mà Ka-52 sử dụng để tấn công thiết giáp bao gồm Vikhr 9K121, Ataka 9M120, Shturm 9K113 và Izdeliye 305.
Tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser Vikhr 9K121 có tầm bắn 10-12 km với khả năng xuyên giáp dày tới 900 mm. Tên lửa chống tăng dẫn đường bằng vô tuyến Ataka 9M120 có tầm bắn 6 km với khả năng xuyên giáp dày 800 mm. Tên lửa chống tăng dẫn đường bằng vô tuyến Shturm 9K113 có tầm bắn 5 km với khả năng xuyên giáp dày 650 mm. Còn tên lửa đa năng Izdeliye 305 có tầm bắn 14,5 km với tốc độ hơn 800 km/giờ.
Tên lửa Izdeliye 305E được trưng bày tại triển lãm quốc phòng quốc tế EDEX ở Cairo (Ai Cập) tháng 12-2021. Ảnh: THE EURASIAN TIMES |
Để tấn công mục tiêu mặt đất, Ka-52 sử dụng các tên lửa Kh-25M và Kh-29. Kh-25M là tên lửa dẫn đường bằng laser, tầm bắn 10 km, có thể phá hủy boongke, cầu, trạm radar và các phương tiện quân sự. Kh-29 là tên lửa dẫn đường bằng laser có tầm bắn 12 km, có thể phá hủy các mục tiêu kiên cố chẳng hạn như hầm trú ẩn bằng bê tông, đường băng hay tàu.
Hai loại tên lửa mà Ka-52 sử dụng đem lại hiệu quả cao là Vikhr và Izdeliye 305 nhờ tầm bắn và độ chính xác.
Mèo nào cắn mỉu nào?
Tiêm kích F-16 có radar mạnh mẽ, có thể mang tên lửa không đối không tầm xa, chẳng hạn như AMRAAM, có thể tận dụng hiệu quả phạm vi phát hiện và theo dõi của radar.
Bên cạnh vũ khí tầm xa, F-16 có tầm hoạt động và khả năng tải trọng tốt hơn tiêm kích MiG-29 của không quân Ukraine, cho phép F-16 hoạt động từ sâu trong lãnh thổ Ukraine, từ các căn cứ không quân ở phía Tây và Trung Ukraine. Các hệ thống phòng không của phương Tây cũng bảo vệ tốt không phận phía Tây và Trung Ukraine. Vì thế, Nga sẽ không thể tấn công các căn cứ F-16 của Ukraine như họ có thể tấn công các căn cứ không quân MiG-29 vốn gần chiến trường hơn.
Được trang bị tên lửa AMRAAM tầm xa, F-16 có thể đe dọa hoạt động của trực thăng Ka-52. Khi bay ở chế độ thấp, F-16 có thể né tránh sự phát hiện của hệ thống tầm xa của Nga, đồng thời tấn công Ka-52 từ độ cao trung bình bằng tên lửa AMRAAM, sau đó trở về căn cứ ở độ cao thấp. Chưa hết, F-16 còn có thể thách thức các máy bay chiến đấu của Nga bằng nhiều chiến thuật khác.
Nga làm gì để hạn chế thách thức từ F-16?
Để hạn chế những thách thức từ F-16, Nga cần phải tấn công các căn cứ F-16 nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine bằng tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, việc tấn công những chiếc F-16 trên mặt đất tại căn cứ không khả thi vì máy bay thường được bố trí rộng rãi và đặt trong những hầm trú ẩn kiên cố.
Nga có thể sẽ sử dụng chiến thuật mà họ áp dụng để hạn chế thiệt hại do các cuộc tấn công bằng tên lửa Storm Shadow của máy bay ném bom Su-24MR của Ukraine gây ra, đó là phá hủy các cơ sở được sử dụng để lưu trữ đạn dược mà máy bay mang theo.
Tên lửa chống radar tốc độ cao của tiêm kích F-16. Ảnh: THE EURASIAN TIMES |
Nga thường xuyên tấn công các căn cứ không quân của Ukraine để phá hủy vũ khí không đối đất do phương Tây cung cấp như tên lửa hành trình Storm Shadow và tên lửa chống radar HARM.
Gần đây nhất, vào đêm 26-6, quân đội Nga đã tiến hành cuộc tấn công tầm xa trên biển và trên không với độ chính xác cao nhằm vào kho đạn do các nước phương Tây gửi đến Ukraine.
Trước đó vào đêm 23-6, Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng vũ khí dẫn đường chính xác nhằm vào trung tâm trinh sát kỹ thuật vô tuyến và thiết bị hàng không của Ukraine gần sân bay Kanatovo (vùng Kirovograd) và sân bay Dnepr.
Nga gần đây hạn chế sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal và Iskander. Các tên lửa này có thể phá hủy các mục tiêu dưới lòng đất. Nga sử dụng những tên lửa này để phá hủy các bãi đạn nơi không quân Ukraine cất giữ tên lửa và bom do phương Tây cung cấp.
Các hoạt động của F-16 cần có các khoang bảo trì chuyên dụng chống bụi với thiết bị điện tử đắt tiền để chẩn đoán và khắc phục lỗi. Thế nhưng các thiết bị như vậy thường không có sẵn. Một khi bị phá hủy, sẽ mất một thời gian để thay thế những thiết bị như vậy. Nga có thể sẽ nhắm mục tiêu vào các khoang bảo trì F-16 bên cạnh cơ sở lưu trữ tên lửa F-16 dưới lòng đất.
Nếu Ukraine sở hữu F-16, Nga có thể cũng sẽ thay đổi chiến thuật liên quan tới hoạt động của Ka-52. Ưu thế trên không của Nga trên chiến trường cùng với khả năng sát thương của trực thăng Ka-52 sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với sự thành công của bất kỳ cuộc phản công nào của Ukraine.
Giới phân tích quân sự cho rằng tiêm kích F-16 có thể giúp Ukraine nâng cao sức mạnh không quân nhưng không có khả năng thay đổi diễn biến cuộc xung đột.