Trung bình mỗi tháng có hơn 16.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

(PLO)- Tính chung 8 tháng đầu năm nay, cứ bình quân một tháng trên cả nước có hơn 21.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024. Theo đó, xét trong tháng 8 vừa qua, cả nước có 13.400 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, có tới 5.334 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 5.160 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và có 1.927 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm nay, cứ bình quân một tháng trên cả nước có hơn 21.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Ở chiều ngược lại, trung bình mỗi tháng cũng có hơn 16.900 doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường.

các doanh nghiệp ngại vay vốn ngân hàng
Các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa

Chỉ tính riêng tại TP.HCM, trong 8 tháng năm 2024, thành phố có 45.724 doanh nghiệp tham gia vào thị trường, tăng 8,8% so với cùng kỳ nhưng cũng có đến 26.716 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Tức là cứ 10 doanh nghiệp tham gia thì có 6 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Mặc dù tỉ lệ các doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với tỉ lệ doanh nghiệp giải thể cho thấy sức khỏe doanh nghiệp đã phục hồi, nhưng chưa thực sự vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cục Thống kê TP.HCM cho biết thêm, dư nợ tín dụng cuối tháng 8 tại TP.HCM tăng 4,5% so với cuối năm 2023 và tăng 11,4% so với cùng kỳ. Từ tháng 6 đến nay tình hình tín dụng có mức tăng trưởng chậm (tháng 6 tăng 4%, tháng 7 tăng 3,9% và tháng 8 tăng 4,5% so với cuối năm 2023), trong khi tổng vốn huy động tăng 10,7% so với cùng kỳ.

“Điều này cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa cải thiện nhiều và mục tiêu tín dụng tăng trưởng cả năm 15% sẽ gặp nhiều thách thức nếu không có giải pháp tháo gỡ”, Cục thống kê TP.HCM nhận định.

Trước đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 26-8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với mục tiêu định hướng của năm nay là khoảng 15% do nhu cầu vốn chưa phục hồi mạnh.

Bên cạnh đó, mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại không đồng đều. Hiện có nhà băng đã sử dụng 80-95% hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao từ đầu năm, song vẫn có ngân hàng thương mại có mức tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí tăng trưởng âm...

Điều này khiến một số chuyên gia kinh tế cho rằng có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ phải xem xét tiếp tục gia hạn thêm cho Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Mặc dù Thông tư 02 vẫn đang còn hiệu lực thi hành (đến hết ngày 31-12-2024), nhưng với tình hình sức khỏe tài chính như hiện tại, nhiều khả năng trong 3-4 tháng nữa các doanh nghiệp, người dân cũng chưa thể phục hồi năng lực sản xuất kinh doanh cũng như khả năng chi tiêu như giai đoạn trước dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm