Tổng cục Thống kê vừa công bố một số chỉ số của nền kinh tế thời điểm tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Trong đó, riêng tháng 7 đã có 6.884 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34,9% so với tháng trước; 5.257 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 8,6% so với tháng trước; 1.581 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Trong khi đó, cả nước có 13.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,2% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Hơn 7.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 7 tháng năm nay, cả nước có 131.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 113.300, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 16.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bên cạnh gam tối, kinh tế vĩ mô 7 tháng qua vẫn có một vài điểm sáng. Đó là vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 ước đạt 58.500 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 291.000 tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-7, gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2023 ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm 2023 có 69 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 149,2 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, gồm vốn cấp mới và điều chỉnh, đạt 320,6 triệu USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.