4 giải pháp cứu các doanh nghiệp đang gặp khó

(PLO)- Để vượt qua khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị các giải pháp như giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh, tiếp cận vốn vay, tiếp cận thị trường và cải thiện môi trường đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hơn 82% trong tổng số 9.556 doanh nghiệp (DN) cho biết họ dự kiến cắt giảm quy mô, tạm ngừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Đây là thông tin được đề cập trong báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) vừa gửi Thủ tướng.

Về vấn đề trên, Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Ngọc Thủy, chuyên gia phát triển khu vực tư nhân, Giám đốc Văn phòng Ban IV.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy

Những con số đáng báo động

. Phóng viên: Thưa bà, theo như khảo sát của Ban IV thì có vẻ như các DN đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn?

+ Bà Phạm Thị Ngọc Thủy: Đúng vậy. Kết quả khảo sát chỉ ra niềm tin của DN đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp. Có đến 82,3% DN được khảo sát dự kiến sẽ giảm quy mô; ngừng/tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể; chỉ 13,5% giữ nguyên quy mô. Tỉ lệ DN mở rộng quy mô chỉ đạt 4,3%. Đây là những con số đáng báo động.

Khảo sát diễn ra vào cuối tháng 4, kết quả phần nào cho thấy bức tranh tiêu cực của quý I vẫn có thể tiếp diễn trong quý II và các quý còn lại của năm 2023. Với thực tế này tại các đầu tàu kinh tế của cả nước, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5% do Quốc hội đề ra có thể sẽ gặp nhiều thách thức.

Hàng ngàn doanh nghiệp dự kiến ngưng hoặc tạm ngưng kinh doanh trong năm 2023. Ảnh: Q.HUY
Hàng ngàn doanh nghiệp dự kiến ngưng hoặc tạm ngưng kinh doanh trong năm 2023.
Ảnh: Q.HUY

. Các DN chia sẻ họ đang trải qua những khó khăn, thách thức cụ thể như thế nào, thưa bà?

+ Gần 60% DN tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó khăn về đơn hàng. Khó khăn lớn thứ hai là tiếp cận vốn vay. Đây là vấn đề rất lớn của nền kinh tế và từng DN trong bối cảnh lãi suất vẫn ở mức cao, niềm tin từ thị trường trái phiếu, chứng khoán đều chưa thể phục hồi.

Ngoài ra còn có các khó khăn về thủ tục hành chính, vấn đề hình sự hóa các giao dịch kinh tế, khó khăn về thông tin thị trường. Đáng chú ý, có đến 84% DN đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.

Nhiều giải pháp, kiến nghị gỡ vướng

. Vậy giải pháp đưa ra lúc này là gì, thưa bà?

+ Cộng đồng DN đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp, tập trung chủ yếu vào bốn vấn đề: Giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của DN; tiếp cận vốn vay; tiếp cận thị trường; cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê, bốn tháng đầu năm có 77.000 DN rút khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân mỗi tháng có trên 19.000 DN rút khỏi thị trường.

Đối với giải pháp giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của DN, cộng đồng DN đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn COVID-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023.

Các DN cũng kiến nghị cần đẩy nhanh việc hoàn thuế cho DN, tránh kéo dài như hiện nay. Một số cơ chế đặc biệt cần được suy nghĩ tới, ví dụ “cho phép DN được hoàn thuế trong vòng ba tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng” và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông các DN tuân thủ tốt pháp luật. Đưa thuế thu nhập DN đối với các DN xuất khẩu về mức 5%-10% để tạo sức cạnh tranh với DN các nước khác...

Đối với giải pháp về tiếp cận vốn vay, cộng đồng DN kiến nghị nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho DN nhỏ và vừa. Không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất…

Môi trường đầu tư cần có định hướng cụ thể

. Đối với giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì sao, các DN kiến nghị như thế nào, thưa bà?

+ Các DN kiến nghị chính sách cần có định hướng cụ thể, tránh giật cục, sai lệch với nhu cầu thị trường, xã hội. Sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại để DN ổn định tư tưởng, tập trung sản xuất, kinh doanh.

Điển hình, các DN kiến nghị hạn chế thanh tra, kiểm tra DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh (không quá một lần/năm) và không ban hành văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính. Có cơ chế và quy định pháp lý rõ ràng đối với các chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới hỗ trợ DN để cán bộ các cấp có thể thực hiện mà không lo bị phạm lỗi.

Đối với công tác PCCC, phân quyền cho phép cơ quan PCCC cấp quận/huyện thẩm duyệt và nghiệm thu cho các nhà máy có vốn đầu tư dưới 200 tỉ đồng và ngành nghề không đặc biệt gây nguy cơ cháy nổ để giảm thời gian chờ đợi kéo dài vì các khâu xét duyệt đang hầu hết tập trung về vài đầu mối ở trung ương như hiện nay.

Các DN cũng đề nghị thay đổi luật và quy định về đấu thầu. Bỏ quy định dùng giá của hợp đồng cũ làm dự toán. Cho phép áp dụng công thức giá trong chào bán sản phẩm dựa vào các biến động giá nguyên vật liệu và tỉ giá ở thời điểm sản xuất dựa trên các chỉ số giá được công bố công khai trên thế giới.

Cạnh đó, xem xét cải thiện các quy định liên quan tới mở tài khoản đồng ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại để tạo thuận lợi cho DN trong quá trình tiếp cận với các nguồn cung mới, các thị trường mới…

. Xin cảm ơn bà.

Cần chính sách phản chu kỳ

TS Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, phân tích: Ngay từ quý I-2023, dấu hiệu kinh tế khó khăn đã bộc lộ và bước sang tháng 4 thì tình hình kinh tế không cải thiện nhiều. Chẳng hạn, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã nằm dưới ngưỡng 50 điểm vào tháng 3 và tháng 4. Điều này cho thấy ngành sản xuất, chế biến, chế tạo của chúng ta đang bị sụt giảm khá mạnh.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhìn thấy những khó khăn trong nước bộc lộ. Đó là tăng trưởng tín dụng trong bốn tháng đầu năm chỉ vào khoảng 3,04%, không bằng một nửa năm ngoái là 7,24%. Tín dụng không ra được là dấu hiệu cho thấy cầu rất yếu ở thời điểm hiện nay. Chúng ta cũng đang gặp khó khăn về vấn đề thị trường vốn, thị trường bất động sản bị suy giảm với nhiều nút thắt chưa thể giải quyết triệt để. Nguồn vốn FDI cũng như xuất khẩu trong các tháng đầu năm cũng giảm.

Theo TS Tú Anh, trong giai đoạn tới, nền kinh tế đối mặt với các cú sốc cả trong và bên ngoài. Sự xấu đi của yếu tố bên ngoài không phải là cú sốc ngắn hạn, mà sẽ thiết lập cân bằng thấp, có khả năng kéo dài vì liên quan đến xung đột địa chính trị, những thay đổi trật tự kinh tế thế giới.

Đây là những điểm mới cần phải đánh giá kỹ lưỡng những chuyển biến môi trường bên ngoài và rất khác so với những gì chúng ta đã biết, chứ không phải là những khó khăn tạm thời. Sau đó chúng ta trở lại bình thường và sẽ tăng trưởng nhanh.

Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách kịp thời giảm lãi suất điều hành và huy động. Ảnh: P.MINH
Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách kịp thời giảm lãi suất điều hành
và huy động. Ảnh: P.MINH

Khi mà nền kinh tế có dấu hiệu đi vào vùng suy yếu thì cần chính sách phản chu kỳ. Có nghĩa là nền kinh tế suy yếu mà thuận chu kỳ thì rủi ro tăng lên, các tổ chức tín dụng sẽ tìm cách siết chặt cho vay. Như vậy, nợ xấu sẽ tăng lên trong hệ thống tín dụng. Môi trường lãi suất cao như từ đầu năm đến nay không chỉ làm xói mòn năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam mà còn gây ra nguy cơ đối với bản thân hệ thống ngân hàng.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách kịp thời giảm lãi suất điều hành và huy động. Đây gọi là chính sách phản chu kỳ vì nhiều người đã từng đặt câu hỏi tại sao nước khác tăng lãi suất mà Việt Nam lại giảm. Đây là điều cần thiết cho Việt Nam hiện nay một khi xuất hiện dư địa cho lãi suất giảm. Và khi lãi suất giảm, DN giảm áp lực chi phí vốn và nhiều cơ hội vượt qua khó khăn. Từ đó giúp ngân hàng giảm được nợ xấu.

PHƯƠNG MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm