Trung Quốc căng với Hàn, Nhật quanh chuyện kiểm dịch

(PLO)- Những bước đáp trả ngoại giao giữa Trung Quốc với Hàn Quốc và Nhật liên quan đến chuyện kiểm dịch COVID-19 nếu không được dàn xếp sớm có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác kinh tế giữa các bên.

Trung Quốc (TQ) vừa bỏ chính sách zero-COVID và mở cửa biên giới sau gần ba năm theo đuổi chống dịch. Bên cạnh việc nhiều nước phản ứng tích cực với sự điều chỉnh của TQ và cho biết sẽ không áp đặt các hạn chế nhập cảnh với du khách TQ thì nhiều nước đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm dịch đối với người nhập cảnh từ TQ do lo ngại nguy cơ bùng dịch và xuất hiện biến thể mới khi số ca nhiễm ở TQ tăng nhanh.

Trung Quốc đáp trả mạnh

Hơn chục nước, trong đó có Mỹ, Úc và một số thành viên Liên minh châu Âu, đã yêu cầu khách nhập cảnh từ TQ phải trình kết quả xét nghiệm âm tính. Hàn Quốc và Nhật là hai trong số nhiều nước đã áp đặt các yêu cầu kiểm dịch với tất cả du khách đến từ TQ. Cụ thể, Hàn Quốc và Nhật đã hạn chế các chuyến bay đi từ TQ và yêu cầu người nhập cảnh từ TQ xét nghiệm khi đến nơi, những hành khách có kết quả dương tính sẽ được đưa đi cách ly. Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TQ hạn chế cấp thị thực ngắn hạn cho công dân TQ từ ngày 2-1.

Bên cạnh việc nhiều nước áp đặt hạn chế thì cũng có nhiều nước hoan nghênh du khách TQ. Ngày 9-1, ngày đầu tiên đón du khách TQ trở lại sau đại dịch, Thái Lan cử quan chức cấp cao, trong đó có một phó thủ tướng và bộ trưởng chào đón du khách TQ tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok. Indonesia và các quốc gia khác đã bố trí nhân viên nói tiếng TQ để hỗ trợ du khách.

Căng thẳng lên cao khi TQ bên cạnh chỉ trích mạnh rằng hành động của các nước là phân biệt đối xử, “không thể chấp nhận được” thì đã có những bước đi đáp trả, đầu tiên nhắm vào Hàn Quốc và Nhật.

Ngày 11-2, Cục Quản lý xuất nhập cảnh quốc gia TQ tuyên bố sẽ ngừng cấp thị thực cảng (thị thực khi đến -VOA, cho phép người nước ngoài vào TQ mà không cần phải xin thị thực tại Đại sứ quán TQ trước khi khởi hành, có thể ở lại TQ năm ngày) và đình chỉ chính sách quá cảnh miễn thị thực 72/144 giờ đối với công dân Hàn Quốc và Nhật. Trước đó một ngày, các đại sứ quán TQ tại Seoul và Tokyo đã đình chỉ cấp thị thực ngắn hạn cho công dân Hàn Quốc và Nhật, theo tờ China Daily.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao TQ Tần Cương, TQ có lý do để đáp trả các chính sách phân biệt đối xử của Hàn Quốc và Nhật đối với công dân TQ - vốn cản trở giao lưu nhân dân các nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân tuyên bố rằng các biện pháp đối ứng của TQ là hợp pháp và hợp lý, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân nước này, đồng thời kêu gọi các nước nên điều chỉnh chính sách phòng chống dịch khoa học và cân xứng.

Hành khách tại sân bay quốc tế thủ đô ở Bắc Kinh. Ảnh: CHINA DAILY

Hợp tác, du lịch có thể bị ảnh hưởng

Trong ngày 11-1, Nhật gửi công hàm phản đối TQ về việc nước này tạm dừng cấp thị thực cho công dân Nhật và yêu cầu TQ đảo ngược quyết định, theo hãng tin AFP. Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin thì nói rằng quyết định của Seoul dựa trên bằng chứng khoa học, không phân biệt đối xử và các biện pháp đối phó của TQ là “vô cùng đáng tiếc”.

Căng thẳng ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nhật với TQ có thể tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh hợp tác kinh tế giữa các nước, trong đó dễ thấy nhất là mảng du lịch, hãng tin Reuters cảnh báo.

Trước đại dịch, chi tiêu hằng năm của du khách TQ ở nước ngoài lên tới 250 tỉ USD, trong đó Hàn Quốc và Nhật nằm trong danh sách những điểm đến mua sắm hàng đầu. Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật là một trong những nguồn du khách nước ngoài lớn nhất đến TQ. Theo số liệu chính thức, khách du lịch TQ đã thực hiện 6,02 triệu chuyến đi đến Hàn Quốc vào năm 2019 và 9,59 triệu chuyến đi đến Nhật.

Bên cạnh đó, căng thẳng ngoại giao đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của các công ty Hàn Quốc có hoạt động ở TQ, bao gồm các nhà sản xuất mỹ phẩm LG H&H và Amorepacific, theo Reuters. Nhà điều hành cửa hàng bách hóa Nhật Isetan Mitsukoshi Holdings và nhà điều hành Siêu thị Aeon Co cho biết họ có thể phải cân nhắc lại việc chuyển nhân sự sang TQ tùy thuộc vào thời gian đình chỉ thị thực.

“Chúng tôi sẽ không thể thực hiện các chuyến công tác ngắn hạn… nếu tình trạng kéo dài sẽ có ảnh hưởng”, Reuters dẫn lời một người làm trong ngành công nghiệp chip của Hàn Quốc.•

WHO làm việc với Trung Quốc về rủi ro COVID-19 trong dịp tết

Hãng tin Reuters ngày 11-1 dẫn lời ông Abdi Rahman Mahamud, Giám đốc bộ phận điều phối phản ứng và cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết “Chúng tôi đã làm việc với các đồng nghiệp TQ” để giúp TQ quản lý các rủi ro COVID-19 gia tăng trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Tuy nhiên, ông Mahamud cho biết việc thiếu dữ liệu đang gây khó khăn cho việc này. Hiện WHO vẫn chưa có đủ thông tin từ TQ để đánh giá đầy đủ về sự nguy hiểm của đợt bùng phát dịch sau khi TQ từ bỏ chính sách zero-COVID.

Ngày 10-1, WHO kêu gọi người dân khi di chuyển nên đeo khẩu trang khi biến thể XBB.1.5 tiến hóa từ Omicron lan rộng. Các nước nên xem xét khuyến nghị hành khách đeo khẩu trang trên các chuyến bay đường dài do sự lây lan nhanh chóng của biến thể XBB.1.5 tại Mỹ. Tại châu Âu, biến thể XBB.1.5 hiện chỉ mới được phát hiện với số lượng nhỏ nhưng ngày càng tăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới