Trong thông báo vào cuối ngày 10-1, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết Hội đồng Mua sắm Quốc phòng do Bộ trưởng Rajnath Singh đứng đầu đã thông qua kế hoạch mua các tên lửa vác vai tầm ngắn để triển khai đến khu vực biên giới giáp Trung Quốc (TQ), theo hãng tin Bloomberg.
Các binh sĩ Ấn Độ tại một căn cứ không quân ở vùng Ladakh hồi năm 2020. Ảnh: REUTERS |
“Xét về những diễn biến gần đây dọc biên giới phía bắc, [chúng ta] cần phải tập trung vào các hệ thống vũ khí phòng không hiệu quả, có thể mang vác và triển khai nhanh chóng ở những địa hình hiểm trở” - thông báo cho hay.
Tên lửa phòng không vác vai mà Ấn Độ muốn mua sắm là loại tên lửa do Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) thiết kế và phát triển, tương tự tên lửa vác vai FIM-92 Stinger của Mỹ.
FIM-92 Stinger có trọng lượng nhẹ, dễ sử dụng và có thể chỉ cần một người duy nhất để vận hành. Loại tên lửa Stinger đã chứng minh tính hiệu quả trong các cuộc xung đột gần đây và Lầu Năm Góc cung cấp ít nhất 1.600 hệ thống tên lửa cho Ukraine để đối phó với các cuộc không kích của Nga.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng thông qua kế hoạch mua tên lửa chống tăng được sản xuất trong nước để trang bị cho trực thăng chiến đấu cũng như mua tên lửa chống hạm Brahmos cho tàu chiến của nước này.
Tổng kinh phí cho các loại tên lửa trên lên tới 522 triệu USD, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Ấn Độ không tiết lộ mức giá ước tính của từng loại tên lửa.
Động thái trên của New Delhi diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với TQ tại khu vực biên giới vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang kể từ cuộc đụng độ vào tháng 6-2020 ở thung lũng Galwan khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ TQ thiệt mạng.
Cuối năm ngoái, quân đội Ấn Độ cho biết một số binh sĩ Ấn Độ và TQ đã bị thương nhẹ sau một cuộc đụng độ ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya ngày 9-12.
Các chỉ huy quân sự của hai nước đã tổ chức 17 vòng đàm phán nhằm cố gắng xoa dịu căng thẳng, song vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển về vấn đề biên giới lãnh thổ.