Theo tờ South China Morning Post ngày 14-7, Trung Quốc đã công bố sách trắng, trong đó khẳng định người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương được hưởng quyền đại diện chính trị và mức sống ngày càng cao.
Động thái nói trên được đưa ra sau khi Mỹ cảnh báo các công ty đang hoạt động ở Tân Cương về các cáo buộc lao động cưỡng bức và diệt chủng của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ ở đây. Mỹ cảnh báo rằng các doanh nghiệp này có thể vi phạm pháp luật nếu tiếp tục kinh doanh ở đây.
Người dân ở Tân Cương. Ảnh: AFP
Trong sách trắng, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã nêu rõ những gì mà chính quyền trung ương và khu vực đã làm để cải thiện cuộc sống của các dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
Theo nội dung văn bản, "Tân Cương hiện là một xã hội ổn định và có trật tự, nơi các dân tộc địa phương chung sống hòa thuận và hòa bình, và khu vực này đang trong thời kỳ phát triển tối ưu".
Trong mục dân quyền, sách trắng nói rằng trong bốn năm qua không có vụ tấn công khủng bố nào ở Tân Cương.
Về quyền chính trị, văn bản làm nổi bật sự tham gia của các dân tộc thiểu số ở Tân Cương trong các cơ quan quản lý địa phương và quốc gia khi chỉ ra 60% đại biểu của khu vực làm việc tại cơ quan lập pháp quốc gia.
Về kinh tế, sách trắng chỉ ra sự cải thiện nhanh chóng trong nền kinh tế và mức sống ở khu vực. Theo văn bản, từ năm 1955 đến năm 2020, tổng sản phẩm nội địa ở Tân Cương tăng 160 lần, trong khi tổng thu nhập bình quân đầu người tăng 30 lần.
Trong khía cạnh văn hóa, văn bản cho biết giáo dục đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương đã được cải thiện, với tỷ lệ nhập học tại các trường trung học vào năm ngoái là 99%. Ngoài ra, văn bản cũng khẳng định tất cả các dân tộc thiểu số, theo hiến pháp của Trung Quốc đều có quyền học ngôn ngữ của họ.
Tuy nhiên, theo ông Timothy Grose, phó giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Công nghệ Rose-Hulman ở Indiana (Mỹ), giáo dục ngôn ngữ ở Duy Ngô Nhĩ đã bị cắt giảm đáng kể kể từ năm 2004 sau khi các lớp học ngôn ngữ tại ĐH Tân Cương bị buộc ngừng hoạt động.
Kể từ năm 2017, Trung Quốc đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng của quốc tế đối với các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận các cáo buộc nói trên.