Theo trang The Telegraph Online của Ấn Độ, Trung Quốc đang xây dựng ba căn cứ không quân mới và mở rộng năm căn cứ khác trải dài từ Tân Cương đến Tây Tạng trong các động thái nhằm tăng cường sức mạnh không quân của họ phòng khi xảy ra xung đột với Ấn Độ ở vùng Ladakh hoặc Arunachal Pradesh.
Sự mở rộng ồ ạt này là một phần trong chiến dịch xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc, bao gồm hệ thống phòng không trên mặt đất, sân bay trực thăng và hệ thống đường sắt mới, bắt đầu sau trận đình chiến ở khu vực Doklam ở ngã ba Bhutan, Ấn Độ, Tây Tạng vào năm 2017 và đã được đẩy mạnh sau cuộc chạm trán dữ dội ở thung lũng Galwan giữa lính Ấn Độ và lính Trung Quốc.
Ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ không quân mới tại Tashkurgan và mở rộng các căn cứ không quân và sân bay hiện có tại Kashgar (Khách Thập) và TP Hotan (Hòa Điền).
Tiêm kích Shenyang J-11 của quân đội Trung Quốc. Ảnh: US AIR FORCE
Theo trang The Warzone, việc mở rộng năng lực quân sự tại Hotan không phải là một sự điều chỉnh nhỏ của Trung Quốc. Nó thể hiện một sự leo thang quyết liệt và hoàn toàn hướng tới việc mở rộng sức mạnh không quân của Trung Quốc ở các khu vực xung quanh Ladakh.
Tại Tây Tạng, căn cứ không quân Ngari Gunsa hiện đang có 12 hầm trú ẩn cho máy bay. Điều này cho thấy một lúc nào đó có thể có thêm nhiều máy bay chiến đấu đóng ở đó dù hiện tại chỉ có bốn tiêm kích Shenyang J-11 đóng tại căn cứ. Trung Quốc cũng đã xây dựng một sân bay lưỡng dụng mới tại Shigatse Tingri và sân bay trực thăng tại TP Lhasa.
Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy các tên lửa đất đối không đã được lắp đặt tại Ngari Gunsa và tại các địa điểm biên giới khác trong khu vực.
Liệu Ấn Độ có nên lo lắng trước việc Trung Quốc ồ ạt xây dựng căn cứ không quân tại khu vực biên giới?
Ông Manoj Kewalramani - chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Takshashila, Ấn Độ - cho biết: “Về mặt chiến lược, Trung Quốc sẽ không muốn xảy ra xung đột. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan khi cho rằng họ sẽ không làm bất cứ điều gì ở các khu vực này”.
Các chuyên gia Ấn Độ cho rằng động thái trên của Trung Quốc là để đối phó những chiến đấu cơ Rafale của Không quân Ấn Độ. Tuy nhiên, họ cho biết thêm các căn cứ không quân mà Trung Quốc đang xây dựng hoặc tăng cường đều nằm ở độ cao lớn mà máy bay không thể hoạt động với hiệu suất tối đa.
Theo The Warzone, khi khả năng của Trung Quốc trong lĩnh vực này phát triển, Ấn Độ và các quốc gia láng giềng khác sẽ trở nên khó khăn hơn trong việc duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực.