Trung Quốc hủy diệt rạn san hô Trường Sa

Hành động bồi đắp xây bảy đảo nhân tạo ở biển Đông của Trung Quốc đã làm mất gần 30% số lượng các rạn san hô tự nhiên.

Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Hawaii (Mỹ) đăng trên tạp chí PLOS Biology đã đưa ra kết luận như trên.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu thu thập từ vệ tinh để đo đạc các rạn san hô bị tàn phá và số đất bồi đắp xây dựng bảy đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Kết quả cho thấy từ tháng 2-2014 đến tháng 5-2015, cứ 10,7 km2 đất được bồi đắp xây đảo nhân tạo thì có khoảng 11,6 km2 (26,9%) rạn san hô đã bị hủy diệt.

GS Camilo Mora, Trưởng nhóm nghiên cứu ở ĐH Hawaii, bức xúc nói với báo Huffington Post: “Rất nhiều rạn san hô bị thiệt hại… Chúng ta cần phải ngăn cản để chúng khỏi bị hủy diệt”.

Ông nhắc lại các công trình nghiên cứu trước đó đã chứng minh hoạt động nạo vét xây đảo nhân tạo trên biển Đông có thể tàn phá hầu hết các rạn san hô và hệ sinh thái quanh đó đồng thời dẫn đến hậu quả nhiều loài sinh vật bản địa sẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Thái độ hung hăng của Trung Quốc theo biếm họa của báo Philippine Star.

Công trình nghiên cứu của ĐH Hawaii chỉ ra rằng các rạn san hô được nạo vét bằng cách hút, có nghĩa là chúng bị cắt và hút lên khỏi đáy biển và được bơm trở lại để bồi đắp mặt đất trên đảo nhân tạo.

Cách làm này đã tạo khoảng trống tại khu đất bị nạo vét dưới biển khiến các lớp bùn cát (trầm tích) bị xáo động, chôn vùi và gây chết san hô bằng cách làm mất chức năng tự rửa trôi bùn cát khiến các rạn san hô dễ tổn thương và nhiễm bệnh.

Các lớp trầm tích lại không có khả năng giúp san hô phát triển, nghĩa là sau đó lượng san hô đã mất đi thì sẽ không bao giờ được tái tạo.

Hoạt động nạo vét san hô cũng gây thiệt hại cho nhiều loài cá do nước biển có chứa cát lẫn với tảo san hô dễ gây trầy xước có thể gạt trôi các mô sống trên da của cá.

Trong khi đó, công trình nghiên cứu của ĐH Hawaii đã cho thấy hoạt động xây đảo nhân tạo đòi hỏi quá trình bồi đắp liên tục để giữ cho đảo tiếp tục nổi. Có nghĩa là các rạn san hô sẽ bị tàn phá thường xuyên.

Các nhà nghiên cứu đã kêu gọi hợp tác quốc tế khẩn cấp nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trước khi các thực thể tự nhiên bị tàn phá nặng nề hơn.

Các nhà nghiên cứu đã khuyến cáo nên thành lập một vùng biển bảo tồn mang tính chất đa quốc gia như trường hợp các khu vực được bảo tồn tại Nam cực.

Các rạn san hô ngầm cạnh các đảo ngoài khơi quần đảo Trường Sa từ lâu đã thoát khỏi bàn tay con người tác động.

Chúng là nơi cung cấp thức ăn và nơi ẩn náu cho nhiều loài sinh vật biển. Có hơn 6.500 loài sinh vật biển phụ thuộc vào các rạn san hô này, trong đó có tới 571 loài (hơn phân nửa số loài san hô sống trên đá ngầm) đến nay được biết trên thế giới.

TTXVN đưa tin ngày 2-4, tại ĐH Harvard (Mỹ) đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Các động thái quân sự hóa biển Đông và những hậu quả” do Hiệp hội Sinh viên và Giáo sư Việt Nam tại Mỹ tổ chức nhằm khẳng định hướng giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế. Nhiều chuyên gia có uy tín của Mỹ đã tham gia hội thảo.

Tại hội thảo, các tham luận tập trung phân tích lịch sử các cuộc tranh chấp trên biển Đông, hiện trạng quân sự hóa trên vùng biển này, cách thức phản ứng của các quốc gia liên quan, tác động của động thái quân sự hóa đối với hòa bình và ổn định khu vực nói riêng và quốc tế nói chung, vai trò của các quốc gia liên quan và các tổ chức quốc tế trong tiến trình tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp.

Các tham luận đều nhấn mạnh cần giải quyết tranh chấp trên biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.

TNL

Các rạn san hô ấy là những viên ngọc đang bị thói ích kỷ của một, hai nước tàn phá.

GS CAMILO MORA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm