Trung Quốc lại bắt đầu đợt xây dựng trái phép mới ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Kết luận này được Reuters đưa ra, căn cứ vào các hình ảnh vệ tinh công ty Planet Labs (Mỹ) chụp ngày 6-3.
Các hình ảnh vệ tinh chụp đảo Bắc, một đảo san hô, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 6-3 cho thấy có dấu hiệu san ủi làm sạch mặt bằng và có thể là chuẩn bị cho việc xây dựng một bến tàu mà theo nhiều chuyên gia là nhằm phục vụ lắp đặt quân sự. Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động này từ cuối năm ngoái nhưng bị bão cản trở.
Nhiều nhà ngoại giao tiếp cận được với đánh giá tình báo mới nhất của phương Tây nói rằng Trung Quốc đang tích cực nỗ lực khuếch trương uy thế ở biển Đông. Các chuyên gia quân sự khu vực cũng nhận định động thái này cho thấy Trung Quốc quyết tâm xây dựng mạng lưới nối liền các đảo đá ở biển Đông. Chiến thuật của Trung Quốc là chia nhỏ các hoạt động trên biển Đông ra để tránh bị chú ý và chỉ trích.
“Hoàng Sa mang tính sống còn đối với mục tiêu khuếch trương uy thế ở biển Đông của Trung Quốc. Chúng ta có thể nhận thấy họ quân sự hóa biển Đông, bất kể họ có phân trần thế nào đi nữa” – Reuters dẫn lời Giáo sư Carl Thayer chuyên nghiên cứu về biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc.
Trung Quốc gần đây đã triển khai trái phép tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa cảu Việt Nam, được cho là để bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân của mình ở đảo Hải Nam.
Hình ảnh vệ tinh chụp đảo Bắc ở Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang kiểm soát trái phép, ngày 15-2 (trên) và ngày 6-3 (dưới). Ảnh: PLANET LAB
Bên cạnh nhận định Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu tăng cường sức mạnh quân sự ở Hoàng Sa, chuyên gia an ninh Zhang Baohui tại đại học Lĩnh Nam (Hong Kong) còn cho rằng, động thái mới nhất này cho thấy Trung Quốc đã nghĩ rằng chính phủ Trump sẽ không phản ứng gì vì đang có nhiều mối bận tâm khác.
Thông tin Trung Quốc bắt đầu đợt xây dựng trái phép mới ở Hoàng Sa xuất hiện trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chuẩn bị thăm châu Á. Ông Tillerson hồi tháng 1 từng làm Trung Quốc tức giận khi nói Mỹ phải ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo đã xây dựng trái phép ở biển Đông.
Nhiều nguồn tin ngoại giao ở Trung Quốc cho biết Trung Quốc không muốn có sự đối đầu với Mỹ ở biển Đông. Bằng chứng là Trung Quốc đã không phản ứng mạnh với việc Mỹ triển khai một đội tàu sân bay tấn công tuần tra biển Đông tháng trước.
Trung Quốc mới đây còn thể hiện thái độ muốn hòa giải quanh vấn đề biển Đông khi tuần trước Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói rằng bản dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông đã hoàn thành, căng thẳng về cơ bản đã được giải quyết. Trước đó Trung Quốc nói khẳng định mình và các nước Đông Nam Á thống nhất sẽ giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình.