Trung Quốc lũ lụt nghiêm trọng, hàng trăm ngàn người phải sơ tán

(PLO)- Lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc khiến cơ sở hạ tầng ở nhiều khu vực bị hư hại nặng, hàng trăm ngàn người phải di tản khẩn cấp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Do ảnh hưởng của bão Doksuri đổ bộ hồi cuối tháng 7, Trung Quốc (TQ) nhiều ngày qua tiếp tục hứng chịu mưa lớn và lũ lụt xảy ra tại nhiều tỉnh, thành của nước này với lượng mưa kỷ lục tại Bắc Kinh. Ngoài thiệt hại vật chất, thiên tai cũng làm hàng chục người tử vong hoặc mất tích cùng hàng trăm ngàn người phải sơ tán khẩn cấp.

Bắc Kinh: Nhiều tuyến đường ngập sâu

Tại thủ đô Bắc Kinh, kể từ cuối tuần trước, lượng mưa ghi nhận ở khu vực này đã chạm mốc cao nhất trong vòng 140 năm qua trở lại đây, theo hãng tin AP.

Cụ thể, Cục Khí tượng Bắc Kinh cho biết đã ghi nhận lượng mưa lên tới 744 mm từ ngày 29-7 đến 2-8.

Các hình ảnh tại hiện trường cho thấy mưa khiến nhiều tuyến đường lớn ở Bắc Kinh ngập nặng, có nơi nước lên cao quá nóc ô tô cùng hàng dài phương tiện di chuyển bị người dân bỏ lại gây ùn ứ. Hầu hết hệ thống điện và nước ở thủ đô bị nước lũ làm hỏng, không hoạt động được.

Các trận mưa như trút nước này đã khiến khoảng 127.000 người phải sơ tán khẩn cấp. Đã có ít nhất 21 người thiệt mạng trong đợt lũ lụt này, một nạn nhân trong số đó là nhân viên cứu hộ. 26 người khác cũng bị thông báo mất tích.

Người dân thủ đô Bắc Kinh trên đường đi sơ tán ngày 2-8. Ảnh: ACV

Người dân thủ đô Bắc Kinh trên đường đi sơ tán ngày 2-8. Ảnh: ACV

Ngoài Bắc Kinh, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Trác Châu - một TP nhỏ ở tỉnh Hà Bắc giáp với phía tây nam thủ đô.

Theo hãng tin Reuters, Trác Châu nằm ở nơi giao nhau của một số con sông nên khi nước lũ di chuyển xuống hạ lưu càng khiến tình trạng ngập úng trở nên nghiêm trọng hơn, với hơn 650 ha đất nông nghiệp chìm trong biển nước.

Theo cổng thông tin Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện thăm hỏi các nhà lãnh đạo TQ về tình hình bão lũ, bày tỏ chia sẻ trước những mất mát mà nước này đang phải gánh chịu.

Chính quyền tỉnh Hà Bắc đã ban bố tình trạng khẩn cấp, với lượng mưa trung bình được đo đạc từ ngày 29-7 lên tới 355 m, cao nhất ở khu vực này kể từ tháng 7-2012. Một số khu vực của Trác Châu lúc này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và mất điện một phần trong khi các vật dụng cứu hộ như xuồng và áo phao cũng đang dần cạn kiệt.

Hơn 9.000 nhân viên cứu hộ chia làm nhiều đội đang làm việc cật lực để tìm kiếm những nạn nhân còn mắc kẹt trong nhà nhưng chưa rõ con số chính xác người còn bị kẹt. Các đội cứu hộ từ các tỉnh khác đã đến Trác Châu để hỗ trợ việc sơ tán.

“Chúng tôi phải nắm bắt từng giây, từng phút để cứu người” - anh Hồng Hùng Uy, nhân viên cứu hộ ở Trác Châu, cho biết. Anh cho biết đã làm việc liên tục từ 2 giờ sáng 2-8 ngay khi đặt chân tới TP này. Ước tính có khoảng 60 người đã được đội của anh ứng cứu kịp thời, trong số đó có nhiều người cao tuổi và trẻ em.

Thách thức quản lý lớn cho Trung Quốc

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cảnh báo tình trạng lũ lụt hiện tại đang tạo sức ép lớn lên hệ thống kiểm soát lũ lụt, phản ứng thiên tai của TQ. Ở lưu vực các con sông lớn như Hải Hà, các hệ thống này đang phải làm việc cật lực để lượng nước được giữ ổn định. Đây là những kinh nghiệm rút ra từ đợt lũ vào năm 1996, ở lưu vực sông Dương Tử, làm gần 2.800 người thiệt mạng và làm hư hại hàng triệu ngôi nhà.

Chính quyền TQ từ lâu đã nhận thức được nguy cơ ngập úng trong đô thị khi tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trong những năm gần đây đã tạo ra những khu vực đô thị rộng lớn xây tràn vào các vùng trũng khiến việc thoát nước bị tắc nghẽn. Thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu toàn cầu cũng gây nên các đợt lũ lụt sau này.

Tuy nhiên, dữ liệu chính thức từ các cơ quan TQ vẫn cho thấy khoảng 98% trong số 654 TP lớn của TQ dễ bị lũ lụt và ngập úng. Cơ quan Khí tượng quốc gia TQ cho biết lượng mưa ở các tỉnh phía đông bắc có thể tăng tới 50% trong tháng 8 năm nay.

Trong khi đó, một báo cáo của tổ chức Greenpeace East Asia năm 2021 tiến hành lập bản đồ rủi ro khí hậu ở các khu vực Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu - Thâm Quyến đã phát hiện rằng rủi ro khí hậu do nhiệt độ cực cao và lượng mưa cực lớn đang gia tăng nhanh nhất ở các khu vực đô thị nhỏ bên ngoài trung tâm TP lớn.

Bên cạnh đó, hơn 50% khu dân cư ở TQ không có sự chuẩn bị kỹ đang phải đối mặt với rủi ro gia tăng ngày càng nhanh do biến đổi khí hậu và các đợt nắng nóng liên quan, lũ lụt hoặc sạt lở đất. Các TP trên khắp TQ được cảnh báo cần phải phát triển nhanh chóng hệ thống cảnh báo sớm và các kênh phản ứng nhanh từ cơ quan chức năng cũng như gia cố cơ sở hạ tầng để chống chịu với thiên tai.

Lũ lụt là tác nhân gây thiệt hại kinh tế nặng nhất ở châu Á

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) được công bố vào cuối tháng 7, khu vực châu Á trong năm qua liên tục bị tàn phá bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra, trong đó lũ lụt là mối đe dọa đặc biệt thường xuyên và gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng nhất. Pakistan là nước bị thiệt hại nặng nhất, lên tới 15 tỉ USD, tiếp đến là TQ thiệt hại 5 tỉ USD và Ấn Độ thiệt hại 4,2 tỉ USD.

WMO đề xuất rằng các biện pháp giám sát chặt chẽ, cảnh báo sớm và giảm thiểu rủi ro có thể giúp làm dịu tác động của các hiểm họa tự nhiên do khí hậu gây ra, đặc biệt là lũ lụt. Theo báo cáo, hơn 25% tổng thiệt hại và tổn thất do thiên tai như lũ lụt, hạn hán và bão nhiệt đới đều liên quan đến ngành nông nghiệp. Nếu rủi ro không được quản lý hiệu quả thì khả năng sụp đổ dây chuyền dẫn tới sụp đổ chuỗi cung ứng lương thực khu vực là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm