Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 17-8 đã đăng bài viết với đầu đề “Trung Quốc có thể giữ Ấn Độ thinh lặng về biển Đông hay không?”.
Bài viết đánh giá hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu vào tháng 9 tới là lần đầu tiên Trung Quốc đứng ra chủ trì một diễn đàn hợp tác kinh tế thế giới.
Về đối nội, chính quyền Bắc Kinh muốn nhân cơ hội này để củng cố quyền lực. Về đối ngoại, Trung Quốc muốn tôn vinh hình ảnh một quốc gia Trung Quốc có trách nhiệm. Chính vì thế Bắc Kinh chuẩn bị kỹ càng cho hội nghị G20.
Trung Quốc đã chi gần 100 triệu USD để xây dựng khán đài, tổ chức các chuyến công tác quốc tế, bố trí an ninh và xây dựng đô thị để chào đón G20.
Đối với quốc tế, Trung Quốc cần tìm kiếm sự ủng hộ, tránh va chạm dẫn đến hình ảnh Trung Quốc mất giá.
Ấn Độ thuộc các nước G20 xem Trung Quốc là đối thủ về kinh tế và chính trị trong khu vực và quốc tế. Vấn đề nhạy cảm nhất giữa hai nước là biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj tiếp người đồng cấp Vương Nghị tại New Delhi ngày 13-8. Ảnh: PTI
Ấn Độ cùng với Mỹ nhấn mạnh tôn trọng nguyên tắc tự do hàng hải và thương mại ở biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc lại là nước phản đối phán quyết trọng tài về biển Đông.
Trung Quốc đánh giá một số nước, đặc biệt là Mỹ, sẽ tìm cách nêu vấn đề biển Đông tại hội nghị G20. Trung Quốc cần Ấn Độ hứa không nói đến biển Đông trong hội nghị G20 sắp tới. Vì lẽ đó, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị mới sang Ấn Độ hồi cuối tuần trước.
Theo tạp chí The Diplomat, ông Vương Nghị đi Ấn với chính sách ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt”.
Ông Vương tỏ ý muốn chơi trò “mắt đền mắt, răng đền răng”. Nếu Ấn Độ thinh lặng về biển Đông tại hội nghị G20, Trung Quốc sẽ ủng hộ Ấn Độ chủ trì hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Goa vào tháng 10 tới.
“Củ cà rốt” của ông Vương là Trung Quốc cam kết ủng hộ Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân.
Thật ra như tạp chí The Diplomat đánh giá, “cây gậy và củ cà rốt” của ông Vương có thể không bảo đảm Ấn Độ sẽ làm thinh vì:
• “Cây gậy” của ông Vương chìa ra vô ích bởi nếu hội nghị BRICS đổ vỡ, Trung Quốc cũng mất cơ hội quan trọng đánh bóng hình ảnh quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc không có giải pháp hiệu quả để tác động đến các lợi ích sống còn của Ấn Độ. Ấn Độ cần Trung Quốc trong vấn đề xung đột ở Kashmir với Pakistan. Ngược lại, Trung Quốc càng cần Ấn Độ trong nhiều vấn đề từ Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương đến đấu tranh chống khủng bố.
• “Củ cà rốt” của ông Vương không hấp dẫn. Gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân là tham vọng lớn của Ấn Độ, tuy nhiên quan sát thấy rất ít quốc gia ủng hộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, có thể Ấn Độ sẽ nói đến vấn đề biển Đông trong hội nghị G20 sắp tới một khi Mỹ hoặc nước khác nêu ra.
Báo Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 17-8 đã đăng bài viết ca ngợi chính phủ Ấn Độ giữ quan điểm trung lập về vấn đề biển Đông dù bị Mỹ và Nhật o ép sau khi tòa trọng tài công bố phán quyết. Báo vuốt ve rằng giữa Ấn Độ và Trung Quốc có mâu thuẫn và bất đồng nhưng quan hệ song phương vẫn phát triển êm đẹp. Báo chỉ trích báo chí Ấn Độ đã “đi quá xa” vì tố Trung Quốc cản trở Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân và gắn liền chuyến thăm Ấn Độ của ông Vương Nghị với vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Hãng tin First Post (Ấn Độ) ghi nhận trong bài viết trước đó vào ngày 15-8, Thời Báo Hoàn Cầu cũng đã tố báo chí Ấn Độ kích động tình cảm tiêu cực khi vạch ra các bất đồng trong quan hệ song phương Ấn-Trung. _______________________________ Đối với Ấn Độ, G20 là dịp quan trọng để quy tụ liên minh khu vực ngăn chặn dự án bành trướng “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. |