Mỹ và Ấn Độ đã đánh dấu thời điểm mới trong quan hệ như đánh giá của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Báo New York Times đã ghi nhận như trên.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Narendra Modi đã phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 8-6 (giờ địa phương).
Bài phát biểu dài 45 phút bị ngắt nhiều lần do tối thiểu tám lần cử tọa đứng lên vỗ tay hoan nghênh.
Bài phát biểu của thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh quan hệ an ninh Mỹ-Ấn, lên án chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và đề cao quan hệ kinh tế đôi bên cùng có lợi.
Ông đã cảm ơn Mỹ ủng hộ sau vụ khủng bố tấn công Mumbai năm 2011 (166 người chết). Ông nhấn mạnh Ấn Độ cam kết giúp đỡ tái thiết Afghanistan và mong muốn Mỹ tiếp tục hiện diện quân sự tại Afghanistan.
Về hoạt động bành trướng của Trung Quốc, dù không nêu cụ thể nhưng ông ám chỉ rõ ràng đến Trung Quốc khi nói Ấn Độ ủng hộ quyền tự do hàng hải, ý muốn nói đến tranh chấp ở biển Đông và yêu sách chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc.
Ông cũng đã nói đến việc Ấn Độ mở cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài, chủ đề biến đổi khí hậu và đề nghị Mỹ giúp đỡ Ấn Độ giảm ô nhiễm.
Thủ tướng Narendra Modi là thủ tướng Ấn Độ thứ năm diễn thuyết trước Quốc hội Mỹ.
Thủ tướng Ấn Độ bắt tay Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và Phó Tổng thống Joe Biden sau bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES
Trong khi đó, báo Japan Times đưa tin ngày 10-6, Ấn Độ, Nhật và Mỹ sẽ bắt đầu tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar ở ngoài khơi đảo Okinawa (Nhật). Cuộc tập trận kết thúc vào ngày 17-6, tập trung huấn luyện chống ngầm và phòng không.
Nguồn tin từ lực lượng phòng vệ biển Nhật cho biết lực lượng này đã cử tàu sân bay trực thăng mới Hyuga cùng các máy bay tuần tra biển P-3C và P-1 và một máy bay cứu hộ US-2 tham gia tập trận. Về phía Mỹ có Hạm đội 7 của hải quân Mỹ đóng ở Yokosuga (Nhật) tham gia.
Japan Times nhận định cuộc tập trận Malabar nhằm tăng cường quan hệ giữa ba đồng minh Mỹ-Nhật-Ấn vào lúc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa trên biển Đông và liên tục xâm phạm lãnh hải Nhật trên biển Hoa Đông. Trung Quốc cũng đang phát triển hạm đội tàu ngầm khiến Nhật và Mỹ quan ngại.
Nhật từng tham gia cuộc tập trận Malabar 2007 do Ấn Độ tổ chức nhưng sau một lần Trung Quốc kịch liệt phản đối Ấn Độ mời Nhật và Úc, Nhật chỉ tham gia thêm bốn lần.
Đến cuối năm ngoái, hai thủ tướng Nhật và Ấn Độ đã đạt thỏa thuận Nhật sẽ thường xuyên tham gia cuộc tập trận Malabar.
Tạp chí The Diplomat (Nhật) nhận định Nhật cũng đang hướng tới mối quan hệ quốc phòng thân cận hơn với Myanmar.
Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani đã sang Myanmar và đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Myanmar. Một trong những nội dung trao đổi là lực lượng phòng vệ Nhật sẽ hỗ trợ xây dựng năng lực hoạt động cho quân đội Myanmar.
Không có nhiều thông tin chi tiết chính thức về chuyến thăm. Bộ trưởng Gen Nakatani cũng sẽ đến thăm Thái Lan và Đông Timor.
Bộ Ngoại giao Nhật thông báo khoảng 0 giờ 50 ngày 9-6, một tàu hải quân Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku. Lúc 2 giờ sáng cùng ngày, thứ trưởng Ngoại giao Nhật đã triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối và yêu cầu tàu hải quân Trung Quốc rời đi. Báo chí Nhật cho biết cùng lúc đó có ba tàu quân sự Nga có mặt trong khu vực. Lúc 3 giờ 10 cùng ngày, tàu hải quân Trung Quốc đã rời khỏi khu vực. Đây là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc đi vào vùng biển Nhật gần quần đảo Senkaku từ khi hai nước tranh chấp quần đảo này. TNL ______________________________________ Quan hệ đối tác Mỹ-Ấn mạnh mẽ hơn sẽ có thể kích hoạt hòa bình và thịnh vượng từ châu Á đến châu Phi và từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. Điều này cũng có thể giúp bảo đảm an ninh của các tuyến đường biển và thương mại cùng với sự tự do đi lại trên biển. Thủ tướng Ấn Độ NARENDRA MODI |