Mỹ đang gia tăng hợp tác với các đồng minh châu Á để đối phó với thái độ ứng xử khiêu khích và hung hăng ở biển Đông của Trung Quốc vốn đang thách thức tự do hàng hải.
VOA đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã phát biểu như trên trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 28-4 (giờ địa phương).
Ông khẳng định mọi đe dọa tự do hàng hải và đe dọa cách thức giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông đều là vấn đề đối với Mỹ. Ông cho biết Mỹ đang tìm cách ngăn chặn xung đột xảy ra ở biển Đông bởi đây là nơi dầu mỏ và nhiều tàu bè đi qua.
Liên quan đến phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye, Thứ trưởng Antony Blinken ghi nhận Trung Quốc không thể vừa tham gia Công ước LHQ về Luật Biển lại vừa bác bỏ phán quyết trọng tài.
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đến điều trần và chào Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện John McCain. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ
Ông nhấn mạnh Trung Quốc có nguy cơ bị mất uy tín nặng nề nếu không tuân thủ phán quyết.
Ông kêu gọi sau phán quyết trọng tài, các nước Đông Nam Á cùng đoàn kết và ASEAN cần bày tỏ thái độ ủng hộ nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp bằng các biện pháp phù hợp luật pháp quốc tế.
Phát biểu của ông Antony Blinken được đưa ra sau khi bốn thượng nghị sĩ trình dự luật mang tên “Luật Về sáng kiến an ninh hàng hải châu Á-Thái Bình Dương năm 2016”.
Hôm 27-4, tại buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thứ trưởng Antony Blinken cũng đã nói: “Trung Quốc ngày càng làm cho Mỹ khó thực hiện các cam kết và các liên minh của Mỹ”.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện.
Ông giải thích nguyên nhân nhiều nước châu Á chìa tay với Mỹ bởi Trung Quốc đã thách thức luật pháp quốc tế, thách thức tự do hàng hải và giải pháp giải quyết hòa bình tranh chấp.
Ông nói Mỹ đã làm việc nhiều hơn với các nước và các đồng minh lâu đời như Philippines cũng như với các đối tác mới như Việt Nam.
Trong khi đó, hãng tin TASS (Nga) đưa tin tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov ngày 29-4 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thông báo Nga và Trung Quốc đã cam kết về nguyên tắc giải quyết tranh chấp ở biển Đông qua thương lượng giữa các nước có liên quan trực tiếp.
Ông nói cộng đồng quốc tế mà trước tiên là các nước ngoài khu vực biển Đông phải giữ vai trò xây dựng, không làm bất ổn tình hình.
Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov tuyên bố: “Chúng tôi đã thảo luận tình hình biển Đông. Quan điểm của Nga không thay đổi. Các vấn đề này không nên quốc tế hóa. Các tác nhân bên ngoài đừng cố can thiệp giải quyết tranh chấp”.
Ông Sergey Lavrov đến Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin vào tháng 6.
Sau hội đàm tại Bắc Kinh hôm 29-4, hai bộ trưởng Ngoại giao Nga và Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ không bố trí hệ thống phòng thủ chống tên lửa tầm cao (THAAD) ở Hàn Quốc. Ông Sergey Lavrov nói Mỹ không nên lấy hành động của CHDCND Triều Tiên làm cái cớ để tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Mỹ và Hàn Quốc đã chính thức bắt đầu tham vấn về khả năng bố trí hệ thống THAAD ở Hàn Quốc sau khi Triều Tiên thử hạt nhân hồi đầu năm. Ông Vương Nghị cho rằng bố trí hệ thống THAAD là vượt quá nhu cầu phòng thủ và đe dọa trực tiếp đến an ninh chiến lược của Trung Quốc và Nga. ________________________________ Dù không phải là một bên tranh chấp nhưng Ấn Độ cho rằng tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông phải được giải quyết theo cách đóng góp bảo vệ tự do hàng hải bởi đây là một trong những tuyến đường biển huyết mạch. (Đại sứ Ấn Độ ở Hàn Quốc Vikram Doraiswami |