Ngày 14-4, trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines trong ba ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cùng họp báo chung với người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin tại Manila.
Yểm trợ cho hoạt động quân sự
Bộ trưởng Ashton Carter thông báo lần đầu tiên Mỹ đã tuần tra chung với Philippines ở biển Đông. Ông cho biết lần tuần tra chung đầu tiên hồi tháng 3 và lần thứ hai vào đầu tháng 4.
Ông khẳng định các cuộc tuần tra chung trên biển nhằm góp phần bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực. Ông nhận xét: “Ở biển Đông, hoạt động của Trung Quốc nói riêng là nguồn gốc dẫn đến lo ngại và làm gia tăng căng thẳng khu vực”.
Sau đó, ông thông báo Mỹ sẽ duy trì 275 binh sĩ ở lại Philippines cho đến cuối tháng và quân đội Mỹ cũng đã bắt đầu điều động binh sĩ luân phiên đến Philippines.
Theo Lầu Năm Góc, các đơn vị Mỹ ở lại Philippines là lực lượng đã tham gia cuộc tập trận chung “Vai kề vai” của Mỹ và Philippines tại Philippines (từ ngày 4-4 đến 15-4).
Lực lượng ở lại gồm 200 phi công và lực lượng đặc nhiệm không quân, ở lại tại căn cứ không quân Clark trên đảo Luzon cùng ba trực thăng tấn công HH-60G Pave Hawks, một máy bay đặc nhiệm MC-130H Combat Talon II và năm máy bay tiêm kích A-10C Thunderbolt II.
Lực lượng này sẽ huấn luyện cho quân đội Philippines tăng cường khả năng phối hợp chiến đấu để sau đó hai bên phối hợp tuần tra không quân và hải quân.
Ngoài ra còn có 75 binh sĩ hải quân Mỹ ở lại căn cứ Aguinaldo nhằm yểm trợ cho các hoạt động quân sự hỗn hợp Mỹ-Philippines trong khu vực.
Các binh sĩ và máy bay Mỹ sẽ rời Philippines vào cuối tháng này nhưng sau đó lại có các đơn vị mới và máy bay Mỹ đến để thay đổi luân phiên.
Binh sĩ Philippines chụp ảnh với pháo cơ động nhiều nòng tại Crow Valley ngày 14-4. Ảnh: AFP
Chi tiền trang bị cho Philippines
Nhân dịp này, Bộ trưởng Ashton Carter cũng thông báo các khoản đầu tư quân sự Mỹ sẽ chi cho Philippines trong khuôn khổ Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á.
Đài VOA đưa tin Mỹ sẽ cung cấp cho Philippines khí cầu thám không và trang bị các bộ cảm biến giám sát biển cho một tàu tuần tra Philippines.
Ngoài ra, Mỹ sẽ giúp hiện đại hóa Trung tâm Quan sát Bờ biển Quốc gia Philippines đồng thời tăng cường một hệ thống thông tin chung để Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ tại Hawaii và các trung tâm chỉ huy của hải quân Philippines chia sẻ thông tin mật.
Báo Stars and Stripes (Mỹ) đưa tin trên chuyến bay từ Ấn Độ bay sang Philippines, Bộ trưởng Ashton Carter đã nói với các nhà báo: Kế hoạch điều động và luân chuyển các binh sĩ Mỹ đến năm căn cứ ở Philippines là hành động khởi đầu cho sự hiện diện của quân đội Mỹ gia tăng trong khu vực nhằm bảo vệ các lợi ích rộng lớn hơn.
Ông khẳng định không chỉ là năm căn cứ ở Philippines mà quân đội Mỹ có thể sẽ sử dụng nhiều căn cứ hơn nữa. Ông xác định lực lượng Mỹ tại năm căn cứ này sẽ hoạt động trong và ngoài Philippines.
Trong năm căn cứ có căn cứ không quân Antonio Bautista trên đảo Palawan cách quần đảo Trường Sa 100 hải lý. Ông nhấn mạnh: “Palawan rất quan trọng về quốc phòng của Philippines”.
Bắn đạn thật pháo cơ động
Cùng ngày 14-4, hãng tin AFP đưa tin trong khuôn khổ cuộc tập trận chung “Vai kề vai” tại Crow Valley (tỉnh Tarlac của Philippines), các binh sĩ Mỹ và Philippines đã bắn sáu tên lửa từ hệ thống pháo cơ động nhiều nòng (HIMARS).
Trước đó, dàn pháo lắp trên xe tải đã di chuyển đến sân bay gần Crow Valley bằng máy bay vận tải quân sự.
Sau hạng mục bắn đạn thật, Phó Đô đốc Alexander Lopez, tư lệnh lực lượng Philippines ở biển Đông, đã trao đổi với các nhà báo: “Ngay cả bộ trưởng Quốc phòng cũng rất ấn tượng với cách thức di chuyển và khai hỏa dàn pháo HIMARS”.
Ông nhận xét loại pháo này rất cơ động và đủ sức đối phó với mọi đe dọa.
Trung tướng John Toolan, tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết pháo HIMARS đạt tầm bắn đến 300 km và đang được thử nghiệm bắn đi từ tàu chiến.
Báo Inquirer (Philippines) ghi nhận quân đội Philippines mong muốn được trang bị loại pháo hiện đại HIMARS này trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường bành trướng quân sự trên biển Đông.
Báo Trung Quốc đem kinh tế dọa thủ tướng Úc Ngày 14-4, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã đến Thượng Hải, bắt đầu chuyến công du đầu tiên đến Trung Quốc từ khi ông nhậm chức thủ tướng vào tháng 9 năm ngoái. Tháp tùng theo ông là phái đoàn kỷ lục gồm hơn 1.000 doanh nhân. Báo The Australian Financial Review (Úc) đưa tin trong bài diễn văn khai mạc Tuần lễ Úc tại Trung Quốc (ảnh), ông Malcolm Turnbull đã nhắn gửi đến Trung Quốc rằng trong quá trình phát triển cần phải mở cửa thị trường và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Cùng ngày, báo China Daily của Trung Quốc nhắc lại trước khi sang Trung Quốc, ông Malcolm Turnbull đã nhận xét hoạt động triển khai quân sự của Trung Quốc ở biển Đông là phản tác dụng. Báo hăm he thủ tướng Úc cần thận trọng lưu ý đến quan điểm về vấn đề biển Đông và lợi ích kinh tế của Úc có thể sẽ bị thiệt hại nếu Úc cứ cứng rắn về vấn đề biển Đông. Trong khi đó, báo Stars and Stripes của Mỹ ngày 13-4 (giờ địa phương) dẫn nguồn tin từ quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định đến ngày 7-4, Trung Quốc đã triển khai 16 máy bay tiêm kích J-11 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nguồn tin này nhận định đây không phải lần đầu Trung Quốc triển khai máy bay đến đảo Phú Lâm nhưng đây là lần triển khai máy bay nhiều nhất. Thông tin trên được công bố một ngày sau khi đài truyền hình Mỹ Fox News công bố ảnh vệ tinh của Công ty ImageSat International chụp hôm 7-4 cho thấy có hai máy bay J-11 của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm. _____________________________ 80% trong tổng ngân sách 50 triệu USD của năm đầu tiên (2016) thực hiện Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á được dành cho Philippines, đồng minh thân cận của Mỹ. Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á kéo dài trong thời gian năm năm với ngân sách 425 triệu USD nhằm giúp đỡ các nước Đông Nam Á cải thiện năng lực hàng hải. |