Ngày 9-4 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ bắt đầu chuyến công du đến châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông trong vòng hai tuần. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook thông báo như trên.
Hai ưu tiên quốc tế then chốt
Người phát ngôn Peter Cook cho biết chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter nhằm thúc đẩy hai ưu tiên quốc tế then chốt: Củng cố chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và thúc đẩy tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa tin tại châu Á-Thái Bình Dương, ông Ashton Carter sẽ thúc đẩy bảo vệ an ninh Mỹ bằng cách phát triển các quan hệ đối tác mới và xúc tiến hiện đại hóa đối với các đồng minh lâu dài Ấn Độ và Philippines.
Tại Trung Đông, ông sẽ đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Saudi Arabia.
Theo báo Stars and Stripes (Mỹ), Bộ trưởng Ashton Carter đến Ấn Độ và Philippines nhằm thảo luận về các căn cứ mới của Mỹ và đầu tư quốc phòng mạnh hơn vào hai nước này vào lúc Lầu Năm Góc muốn gia tăng ảnh hưởng để đối phó với Trung Quốc.
Phát biểu hôm 8-4 trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (tổ chức tư vấn phi chính phủ), ông Ashton Carter nói: “Các nước châu Á-Thái Bình Dương đang bày tỏ lo ngại về tình hình quân sự hóa, đặc biệt là các hành động của Trung Quốc... Họ đang bày tỏ lo ngại cả công khai lẫn riêng tư, ở cấp cao nhất”.
Ông giải thích: “Đó là lý do vì sao chúng tôi đang đầu tư lớn trong khả năng của chúng tôi, vì sao nhiều người yêu cầu chúng tôi phải làm nhiều hơn và vì sao chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động trên không, trên biển và ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Cuộc tập trận “Vai kề vai” của Mỹ và Philippines đang diễn ra tại Philippines. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ
Hai đồng minh Ấn Độ và Philippines
Báo Stars and Stripes cho biết tại Ấn Độ, Bộ trưởng Ashton Carter và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar sẽ tập trung vào thỏa thuận đạt được hồi năm ngoái về hợp tác phát triển một tàu sân bay và chia sẻ công nghệ.
Ấn Độ đang sở hữu hai tàu sân bay và mong muốn có nhiều hơn. Tháng 6-2015, lần đầu tiên Ấn Độ ra mắt tàu sân bay tự chế tạo INS Vikrant. Năm 2013, Ấn Độ đã mua và tân trang lại tàu INS Vikramaditya vốn là tàu sân bay Đô đốc Gorshkov của Nga.
Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết ông Ashton Carter sẽ lên thăm tàu sân bay Vikramaditya.
Các nhân viên cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đến Ấn Độ trước cả tuần để thảo luận các điều khoản về hợp tác phát triển tàu sân bay và tiềm năng Mỹ-Ấn hợp tác phát triển máy bay tiêm kích.
Ông Ashton Carter nhận xét: “Dù đàm phán có thể gặp nhiều khó khăn và tính cạnh tranh toàn cầu cao nhưng tôi tin chắc trong những năm tới Mỹ và Ấn Độ sẽ đạt được thỏa thuận hợp tác sản xuất lịch sử thúc đẩy hai nước xích lại gần nhau và quân đội sẽ mạnh hơn”.
Tại Philippines, Bộ trưởng Ashton Carter sẽ đến thăm căn cứ không quân Antonio Bautista trên đảo Palawan và căn cứ Magsaysay.
Đây là hai trong năm căn cứ Mỹ dự định triển khai luân phiên các lực lượng Mỹ trong khuôn khổ Hiệp định Tăng cường hợp tác quốc phòng đã ký kết hồi năm ngoái.
Hai căn cứ này có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn hành động hiếu chiến gần đây của Trung Quốc qua ý đồ bồi đắp xây đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông. Các căn cứ tọa lạc gần nhất với các thực thể Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa, chỉ khoảng 100 hải lý về phía đông.
121 triệu USD viện trợ
Ngày 8-4, phát biểu trước các thành viên Phòng Thương mại Mỹ tại Manila, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia thông báo Philippines sẽ nhận được gói viện trợ quân sự lớn nhất từ Mỹ trong 15 năm qua để gia tăng phòng thủ và an ninh quốc gia.
Ông cho biết 121 triệu USD viện trợ quân sự của Mỹ trong năm nay gồm 79 triệu USD viện trợ quân sự hằng năm (tăng 50 triệu USD so với năm trước) và 42 triệu USD từ chương trình Sáng kiến Hàng hải Mỹ-Đông Nam Á. Đây là chương trình củng cố năng lực hàng hải sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter công bố trong chuyến thăm Philippines.
Từ năm 2002, Mỹ đã viện trợ cho Philippines gần 500 triệu USD viện trợ quân sự và các thiết bị quân sự khác. Tháng 11-2015, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila, Tổng thống Barack Obama đã công bố Mỹ sẽ viện trợ cho các đồng minh ở Đông Nam Á 259 triệu USD trong hai năm nhằm hỗ trợ an ninh hàng hải.
Báo The Straits Times (Singapore) ghi nhận Mỹ tăng cường viện trợ cho Philippines vào lúc căng thẳng trên biển Đông ngày càng nóng lên sau khi Trung Quốc bồi đắp xây đảo nhân tạo phục vụ cho mục đích quân sự.
Trong bối cảnh đó, Philippines đã gia tăng chi tiêu quân sự để xây dựng hải quân và không quân đáng tin cậy hơn. Từ năm 2012, Philippines đã chi 41,2 tỉ peso (1,2 tỉ USD) mua hai tàu tuần duyên của Mỹ và 12 máy bay tiêm kích hạng nhẹ FA-50.
Mới đây Philippines đã ký với Mỹ hợp đồng trị giá 114 triệu USD mua hai máy bay trực thăng chống tàu ngầm và thông báo ý định thành lập hạm đội tàu ngầm đầu tiên. Philippines cũng đã thuê của Nhật năm máy bay tuần tra tầm xa TC-90, đồng thời xúc tiến mua hai tàu khu trục mới, máy bay giám sát và radar.
Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã nhận được lời mời của bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đến thăm Trung Quốc vào mùa xuân năm 2016. Báo Wall Street Journal ngày 8-4 đưa tin chuyến thăm Trung Quốc sẽ không diễn ra do hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông. Trung tá Bill Urban, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết đó không phải là lý do: “Bộ trưởng đã nhận lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Trung Quốc trong năm nay. Tuy nhiên, lịch trình phức tạp của ông đã không cho phép chuyến đi diễn ra như mong đợi. Bộ trưởng cho rằng chuyến thăm Trung Quốc sẽ thực hiện muộn hơn một chút trong năm nay”. |