Trung Quốc muốn gì với tên lửa YJ-62?

Bên lề hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Mỹ ngày 31-3 (giờ địa phương), dự kiến Tổng thống Obama sẽ gặp riêng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

VOA đưa tin ngày 30-3, ông Dan Kritenbrink, Giám đốc các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, thông báo Mỹ sẽ thẳng thắn trao đổi với Trung Quốc các bất đồng về vấn đề an ninh hàng hải và an ninh mạng.

Trước cuộc gặp Mỹ-Trung, báo Washington Free Beacon đưa tin ngày 30-3, người phát ngôn Lầu Năm Góc đã lên tiếng quan ngại Trung Quốc tăng cường quân sự hóa, bằng chứng là Trung Quốc bắn thử tên lửa chống tàu YJ-62 từ đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Sự kiện này được trang web quân sự dingsheng.com của Trung Quốc nói đến hôm 21-3.

Chuyên gia Rick Fisher tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) nhận xét có thể hải quân Trung Quốc triển khai tên lửa YJ-62 cùng thời điểm khi báo chí tiết lộ Trung Quốc bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm trong năm 2015.

Đảo Phú Lâm đang bị Trung Quốc xâm chiếm. Ảnh: MARITIME EXECUTIVE

Ông nhận xét với tên lửa YJ-62, Trung Quốc muốn bố trí nhóm khí tài quân sự gồm máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không và tên lửa chống tàu nhằm yểm trợ cho các đảo ở biển Đông. Các đảo này sẽ được nối liền bằng các tàu ngầm, tàu nổi và máy bay thám không.

Trong khi đó, trang web USNI News của hải quân Mỹ ngày 30-3 ghi nhận các nhà phân tích không ngạc nhiên về sự kiện Trung Quốc triển khai tên lửa YJ-62 trên đảo Phú Lâm.

Chuyên gia Chris Carlson phân tích: “Sự kiện Trung Quốc triển khai tên lửa HQ-9 đã trở thành vấn đề lớn vì đây là lần đầu tiên loại vũ khí hiện đại ấy được nhìn thấy trên đảo Phú Lâm. Còn tên lửa YJ-62 là hồi hai, cho thấy Trung Quốc muốn bổ sung năng lực đánh trả trên biển cho năng lực phòng không của HQ-9”.

Chuyên gia Bryan Clark ở Trung tâm Thẩm định Ngân sách và Chiến lược ghi nhận: “Khi xung đột nổ ra, tên lửa dễ bị tấn công vì vị trí cố định của các đảo. Tuy nhiên, trong thời bình, tên lửa có thể tạo phản ứng răn đe đối với các nước láng giềng của Trung Quốc và các chiến dịch của Mỹ vì chúng có thể tấn công bất ngờ”.

GS Andrew Erickson ở Viện Nghiên cứu hải quân Mỹ (ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ) phân tích: “Hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa chắc chắn là điềm báo cho hoạt động của Trung Quốc sắp tới ở quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh sẽ làm như đã làm ở Hoàng Sa”.

Chuyên gia Douglas H. Paal ở Quỹ Carnegie về hòa bình quốc tế đề nghị Mỹ cần phải thăm dò Trung Quốc: “Mức ngưỡng trong ý tưởng của ông Tập Cận Bình về quân sự hóa ở Trường Sa là gì? Phải chăng là triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không, tên lửa chống tàu, lực lượng thủy-bộ hay cái gì khác? Trọng tâm trong cuộc gặp Obama-Tập Cận Bình là cần thăm dò để có câu trả lời”.

Báo Philippines Star ngày 31-3 đưa tin người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook đã kêu gọi các nước tranh chấp ở biển Đông kiềm chế tuyên bố yêu sách hay quân sự hóa các đảo tranh chấp và tìm kiếm các giải pháp ngoại giao, pháp lý.

Trong bài phát biểu tại Hội đồng Các vấn đề thế giới ở Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã từng khẳng định năm thách thức đối với Lầu Năm Góc là Nga, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Iran và khủng bố quốc tế. Ông nói: “Trung Quốc đang trỗi dậy, điều đó tốt thôi nhưng cách cư xử hung hăng của Trung Quốc thì không hề ổn chút nào”.

Trong khi đó, trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Amy Searight cho biết Nhật đang đàm phán với Phillippines để Nhật có thể thường xuyên tham gia các cuộc tập trận như cuộc tập trận “Vai kề vai” (Balikatan) giữa Mỹ và Philippines (hiện thời Nhật tham gia tập trận với tư cách nước quan sát viên).

MINH THÙY

Nếu Mỹ triển khai lực lượng tương tự (tên lửa) trên đảo Palawan của Philippines, Trung Quốc có thể viện cớ đó để triển khai vũ khí tấn công trên các đảo nhân tạo gần Philippines.

Chuyên gia BRYAN CLARK

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm