Tờ báo trên ngang nhiên tuyên bố rằng những cấu trúc khác nhau, bao gồm các tòa nhà hành chính đã được xây dựng trên đảo này để chứng minh cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc.
Theo PLA Daily, một bệnh viện và một đài truyền hình vệ tinh đã được dựng lên tại đây, đồng thời các công trình gần đây đã cải thiện đáng kể các nguồn cung cấp điện và nước cho đảo.
PLA Daily nói rằng tỉ lệ quân nhân so với dân thường trên đảo Phú Lâm là 3-1. Tuy nhiên, tờ báo không cung cấp tổng dân số trên đảo.
Các báo cáo của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đây cho biết dân số trên cái gọi là thành phố Tam Sa (gồm cả đảo Phú Lâm), tên ngụy xưng cho đơn vị hành chính Trung Quốc lập phi pháp hồi năm 2012, là khoảng 1.000 người vào năm 2013.
Các binh sĩ thuộc Quân Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tuần tra trái phép tại đảo Phú Lâm vào ngày 29-1-2016. (Ảnh: Reuters)
Ngoài việc chiếm đảo và việc binh sĩ Trung Quốc đóng trái phép trên đảo Phú Lâm, Bắc Kinh gần đây còn ngang ngược triển khai tên lửa phòng không HQ-9 và các chiến đấu cơ J-11 đến đảo bất chấp các nước lên án.
PLA Daily còn cho biết trên đảo Phú Lâm hiện có sự hiện diện của các tòa nhà hành chính, một bưu điện, ngân hàng hợp tác xã nông thôn, một siêu thị, cửa hàng cắt tóc và cửa hàng nước giải khát. Bên cạnh đó, đảo Phú Lâm hiện được bao phủ sóng di động 4G và được kết nối mạng thông qua hệ thống cáp biển.
Xue Li, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng: “Trung Quốc đang thay đổi chiến thuật “hành động thay cho lời nó” và giờ sẽ công khai sự hiện diện của mình ở quần đảo Hoàng Sa”.
Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Trung Quốc Li Jie biện bạch cho sự hiện diện của các quân nhân Trung Quốc trên đảo Phú Lâm rằng các quân nhân cần "duy trì và sửa chữa các loại vũ khí... vì thời tiết và độ ẩm trên các đảo".