Đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm: TQ làm gia tăng căng thẳng

Theo nguồn tin của Fox News, ảnh vệ tinh của hãng ImageSat International ngày 14-2 cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt hai khẩu đội với tám bệ phóng tên lửa HQ-9 cùng radar trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đây là hệ thống phòng không có tầm xa 200 km và có thể gây đe dọa đối với bất kỳ máy bay nào bay gần khu vực này.

Về phương diện luật pháp và quan hệ quốc tế, hành vi nêu trên đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, bởi lẽ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Hành vi này cũng đã vi phạm “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2011. Theo thỏa thuận, hai bên cam kết đẩy mạnh đàm phán vấn đề trên biển, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.

Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở biển Đông.


Ảnh vệ tinh ngày 14-2 cho thấy Trung Quốc đã triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm. Ảnh: IMAGESAT INTERNATIONAL

Mặt khác, hành vi này của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông. Trung Quốc cũng đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002. Theo DOC, các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã cam kết:

Giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp về quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua trao đổi ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) .

Khẳng định tôn trọng tự do hàng hải và tự do bay ở biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của pháp luật quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Kiềm chế, không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực.

• Cam kết tìm kiếm phương cách xây dựng lòng tin căn cứ vào các nguyên tắc Hiến chương LHQ, UNCLOS, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, năm nguyên tắc tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau để tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin.

Theo đó, ASEAN và Trung Quốc cam kết trong khi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, các bên cam kết tăng cường nỗ lực để xây dựng lòng tin như tiến hành đối thoại quốc phòng, đối xử nhân đạo với người bị nạn trên biển, thông báo cho các bên liên quan về các cuộc diễn tập quân sự, trao đổi thông tin liên quan…

Sự kiện Trung Quốc ngang nhiên lắp đặt tên lửa trên đảo Phú Lâm đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và DOC, cản trở tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), làm bùng phát nguy cơ chạy đua vũ trang, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hợp tác Trung Quốc-ASEAN.

Ngoài ra, hành động này sẽ làm tiến trình giải quyết các tranh chấp trên biển Đông ngày càng phức tạp và nguy hiểm, đồng thời cũng đe dọa trực tiếp đến an ninh và tự do hàng hải, an ninh và tự do hàng không cũng như hoạt động thương mại.

Trung Quốc cố thay đổi hiện trạng biển Đông

Kênh truyền hình Channel NewsAsia (Singapore) đưa tin trao đổi với báo chí tại Tokyo (Nhật), Đô đốc Harry Harris Jr., Tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, cho biết ông rất quan tâm đến thông tin Trung Quốc bố trí tên lửa trên đảo Phú Lâm. Ông giải thích: “Nếu có tên lửa ở đó, có thể đó là dấu hiệu quân sự hóa ở biển Đông bằng các phương tiện mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói sẽ không làm như thế”.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tuyên bố sự kiện Trung Quốc triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm đã làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông.

Kênh truyền hình Mỹ CNN dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ ghi nhận Trung Quốc triển khai tên lửa trong lúc hội nghị Mỹ-ASEAN đang diễn ra là một minh chứng nữa cho thấy Bắc Kinh đang cố thay đổi hiện trạng biển Đông.

Chuyên gia Ashley Townshend tại Trung tâm Hợp tác và Quản trị châu Á-Thái Bình Dương thuộc ĐH Phục Đán ở Thượng Hải (Trung Quốc) nhận định rõ ràng đây là hành động khiêu khích. Ông lưu ý: “Việc triển khai tên lửa đã làm gia tăng đáng kể tiềm lực quân sự của Trung Quốc trong khu vực”.

Trả lời Reuters, chuyên gia Mira Rapp-Hooper tại Trung tâm An ninh Mỹ mới khẳng định đây không phải lần đầu Trung Quốc đưa vũ khí tới các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên biển Đông kể từ năm 1974.

Bà nhận định: “Tôi cho rằng việc triển khai tên lửa đất đối không là một động thái leo thang đáng kể. Nếu các hệ thống này đã được triển khai, rất có thể đó là tín hiệu cảnh báo Trung Quốc muốn gửi tới hoạt động duy trì tự do hàng hải qua khu vực”.

Nhận định với hãng tin Bloomberg (Mỹ), viện sĩ Felix Chang ở Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại tại Philadelphia (Mỹ) cho rằng hành động của Trung Quốc chỉ khiến các nước thêm nghi kỵ Trung Quốc.

Ông khẳng định: “Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể tuyên bố bố trí tên lửa là quyền phòng thủ tự nhiên của họ. Tuy nhiên, việc triển khai chúng chắc chắn sẽ đặt ra nghi vấn đối với tuyên bố mà lâu nay Bắc Kinh luôn rêu rao là tránh quân sự hóa biển Đông”.

Chuyên gia Michael Pillsbury, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc (Viện Nghiên cứu Hudson) đồng thời là cố vấn Lầu Năm Góc, nhận xét: “Hành động triển khai hệ thống tên lửa rõ ràng đã vượt qua lằn ranh đỏ và đồng nghĩa với việc các đơn vị khác như lục quân, hải quân và không quân có thể cũng sẽ được điều động đến khu vực… Hành động của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến Lầu Năm Góc cân nhắc các bước đi tiếp theo trong chiến lược tái cân bằng ở khu vực”.

BẢO DUY - TNL

Các hành động phương hại đến hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới như bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo, lập căn cứ quân sự, tập trận, diễn tập quân sự quy mô lớn trên biển gần khu vực tranh chấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm