Trung Quốc và Nga tiến hành cuộc tập trận hải quân chung từ ngày 9 đến 11-9. Tập trận giữa hai nước không phải là chuyện mới vì từ năm 2012 đến nay hai nước đã tập trận như thế năm lần. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên hai nước tập trận chung ở biển Đông sau khi Tòa Trọng tài công bố phán quyết ủng hộ Philippines và khẳng định “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở.
Lập khuôn khổ mới cho một liên minh
Hãng tin RIA Novosti (Nga) ngày 9-9 đã đăng bài viết với đầu đề “Vì sao Trung Quốc muốn thắt chặt quan hệ chính trị và quân sự với Nga?”.
Trong hội đàm với Tổng thống Putin trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu ngày 4-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Nga củng cố hợp tác song phương toàn diện và ủng hộ chính trị lẫn nhau.
Nhà phân tích chính trị Rostislav Ishchenko, Giám đốc Trung tâm Về các hệ thống phân tích và dự báo ở Nga, khẳng định với dấu hiệu này, Nga và Trung Quốc đang tiến đến một liên minh chính trị và quân sự.
Chuyên gia này nhận xét: “Mặc nhiên một liên minh chính trị và quân sự giữa Nga và Trung Quốc đã hình thành từ lâu và không có gì bí mật… Song tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, lần đầu tiên nhà lãnh đạo Trung Quốc nói đến sự cần thiết thiết lập khuôn khổ các quan hệ một cách minh bạch theo truyền thống chính trị và ngoại giao Trung Quốc”.
Trong hội đàm ngày 4-9, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố hai nước phải ủng hộ lẫn nhau trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, đồng thời củng cố hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, hàng không, không gian và công nghệ trọng điểm. Ngoài ra, ông Tập cũng mong muốn hai nước thúc đẩy trao đổi quân sự song phương và hợp tác về an ninh.
Nhà phân tích Rostislav Ishchenko nhận định phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến ý chí của Bắc Kinh muốn thiết lập khuôn khổ cho các mối quan hệ đã hiện hữu kèm theo các nghĩa vụ ràng buộc lẫn nhau.
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình trong hội đàm ở Hàng Châu ngày 4-9. Ảnh: REUTERS
Theo Rostislav Ishchenko, cần phải xem xét tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình trong bối cảnh địa-chính trị rộng hơn.
Chuyên gia này cho rằng Mỹ đang mất dần ảnh hưởng quốc tế, các nước Đông Nam Á nhận thấy Mỹ không thể làm điều gì mong muốn ở châu Á-Thái Bình Dương, ngoài ra còn có tình hình căng thẳng Mỹ-Trung Quốc ở biển Đông và mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Nga và Nhật.
Nhà phân tích Rostislav Ishchenko kết luận: “Bởi thế vì sao Bắc Kinh muốn biến một liên minh chính trị và quân sự song phương không chính thức trước đây nhằm bảo vệ các nước trước chủ nghĩa bá quyền Mỹ thành liên minh chính thức nhằm bảo đảm hỗ trợ cho nhau đối phó với Mỹ và các đồng minh của Mỹ”.
Rostislav Ishchenko dự báo trong thời gian tới Nga và Trung Quốc có thể sẽ ký kết một thỏa thuận để lập ra khuôn khổ cho liên minh mới này.
Không quân và hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra
Song song với tổ chức tập trận chung với Nga ở biển Đông, Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa ở một số đảo trên biển Đông.
Tại cuộc họp báo ngày 7-9 (giờ địa phương) sau chuyến công tác ở châu Á-Thái Bình Dương, bà Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James khẳng định: “Chúng tôi đánh giá thấy tình hình quân sự hóa đang diễn ra ở một số đảo. Có đường băng, tháp chỉ huy và kiểm soát…”.
Bà đánh giá hoạt động hiện nay của Trung Quốc rất đáng lo ngại. Bà cho biết sắp tới quân đội Mỹ có thể sẽ thực hiện nhiều chiến dịch hàng không và hàng hải nhằm đáp trả hành động của Bắc Kinh. Dù vậy, bà nhấn mạnh chính quyền của Tổng thống Obama vẫn mong muốn giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao.
Trang web The Washington Free Beacon (Mỹ) ghi nhận đến nay nỗ lực này của Mỹ không ngăn cản được hoạt động của Bắc Kinh ở biển Đông. Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo về hoạt động quân sự hóa ở biển Đông của Trung Quốc, nước này vẫn tiếp tục bồi đắp xây đảo nhân tạo, triển khai máy bay chiến đấu và tên lửa đến khu vực tranh chấp.
Tại cuộc họp báo hôm 7-9, tướng Scott Vander Hamm, phụ tá tham mưu trưởng không quân, cho biết Mỹ đánh giá Trung Quốc đã nạo vét và bồi đắp xây đảo trên khoảng 1.600 ha.
Bà Deborah Lee James cho biết không quân Mỹ vẫn định kỳ thực hiện quyền tự do hàng không. Hồi tháng 8, không quân đã triển khai ba máy bay ném bom đến đảo Guam để tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, hải quân Mỹ vẫn thường xuyên đưa tàu đến gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép ở biển Đông.
Bà khẳng định: “Chắc chắn các chiến dịch này sẽ được tổ chức thêm nữa”. Bà cho biết trong chuyến công tác của bà, các quan chức của Philippines, Indonesia và nhiều nước đều nhất trí rằng Trung Quốc cần tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài.
Bà nhấn mạnh: “Phán quyết The Hague mang tính chất ràng buộc về pháp lý và Trung Quốc bắt buộc phải tuân theo”. Bà giải thích tranh chấp biển Đông là vấn đề thu hút chú ý nhất trong chính phủ của Tổng thống Obama, từ tổng thống xuống đến các cấp.
Bà kết luận: “Chúng ta mong muốn quan hệ lành mạnh và bình đẳng với Trung Quốc nhưng chúng ta cũng mong muốn Trung Quốc tôn trọng pháp quyền và tự do hàng hải”.
Nga và Nhật đã tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Kuril (Nhật gọi là lãnh thổ phương Bắc) từ nhiều thập niên. Gần đây hai nước đã sẵn sàng tìm kiếm một hiệp định hòa bình để hình thành một công thức có thể chấp nhận được nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp. Tổng thống Putin đã gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hồi tuần rồi ở Vladivostok. Hai bên đều bày tỏ lạc quan rằng thỏa thuận rồi sẽ đạt được. Nga và Nhật xích lại gần nhau là mối quan tâm của Trung Quốc bởi từ xa xưa Bắc Kinh và Tokyo đều mong muốn giữ vai trò bá chủ Đông Nam Á. |