“Các bộ trưởng quốc phòng Nga và Trung Quốc quyết định tổ chức cuộc tập trận chung lần đầu tiên với sự hỗ trợ của máy tính An ninh không phận và không gian 2016 ở Viện Nghiên cứu Trung ương thuộc Lực lượng phòng thủ hàng không vũ trụ của Bộ Quốc phòng Nga để tập luyện phòng thủ tên lửa” - báo The Diplomat hôm 2-5 dẫn lại thông cáo.
Thông cáo nêu rõ: “Cuộc tập trận nhằm mục đích tiến hành các hoạt động phối hợp giữa lực lượng đặc nhiệm phòng không và phòng thủ tên lửa của Nga và Trung Quốc nhằm đối phó các các cuộc tấn công bất ngờ cũng như khiêu khích bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình”. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh cuộc tập trận không nhằm chống lại nước thứ ba.
The Diplomat cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và người đồng cấp Nga Sergey Shoigu gần đây cũng đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước.
Trung Quốc và Nga hiện không phải là một liên minh quân sự chính thức. Chuyên gia Franz-Stefan Gady của The Diplomat nhận định điều này gây cản trở cho việc tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước và khiến các cuộc tập trận chung mang tính phức tạp gặp nhiều khó khăn nếu không nói là không thể.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng gặp nhau vào năm 2015. Ảnh: TASS
Do đó, các cuộc tập chung giữa Nga và Trung Quốc phần lớn mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn và được tiến hành nhằm phô bày quan hệ hợp tác quân sự không chính thức ngày càng thắt chặt giữa Bắc Kinh với Moscow.
Theo The Diplomat, trong năm qua, Trung Quốc và Nga đã tăng dần số lượng các cuộc tập trận quân sự. Trong năm 2015, cả hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận tấn công hải quân và đổ bộ trên biển Nhật Bản, một cuộc tập trận hải quân quy mô nhỏ hơn ở Địa Trung Hải, trong số nhiều hoạt động trao đổi quân sự song phương khác.
Theo chuyên gia Franz-Stefan Gady, các cuộc tập trận quân sự chung mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nước, đặc biệt đối với Lục quân, Hải quân và Không quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vì Trung Quốc đã không tham gia một cuộc chiến tranh toàn diện nào trong nhiều thập niên. Các cuộc tập trận sẽ giúp cải thiện năng lực hoạt động cũng như chiến thuật của Nga và Trung Quốc.
Tờ báo cho biết trong một động thái mới đây mà có thể cho thấy dấu hiệu thắt chặt hợp tác an ninh song phương, Trung Quốc và Nga đã ra tuyên bố kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt kế hoạch đặt Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên bán đảo Triều Tiên.
Mỹ có kế hoạch đặt Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên bán đảo Triều Tiên
Trong một thông cáo báo chí chung hôm 29-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Mỹ cần phải tôn trọng “những quan ngại chính đáng” của Trung Quốc và Nga về THAAD, theo Reuters.
“Động thái này vượt qua nhu cầu phòng thủ của các nước liên quan. Nếu được triển khai, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chiến lược của Nga và Trung Quốc. Điều đó không chỉ đe dọa đến việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mà còn châm dầu vào lửa giữa tình hình vốn đã căng thẳng và thậm chí phá hủy trạng thái cân bằng chiến lược trên bán đảo” - ông Vương nhấn mạnh.