Hãng tin CNN hôm 21-3 cho biết các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã cùng ngồi lại với nhau nhằm thảo luận về vấn đề Trung Quốc (TQ) khi cường quốc này đang nổi lên như một thế lực về kinh tế và chính trị, thách thức vị thế của EU. Tuy nhiên, cuối cùng chủ đề được đem ra mổ xẻ lại chỉ tiếp tục xoay quanh tiến trình Vương quốc Anh rời khỏi liên minh lớn nhất thế giới hiện nay (Brexit).
EU phân nhánh vì lợi ích từ Trung Quốc
Suốt gần ba năm kể từ khi người dân nước này đồng loạt bỏ phiếu ủng hộ cuộc chia ly này, giới lãnh đạo Anh vẫn không thể đạt được một sự đồng thuận cần thiết trong nội bộ để đàm phán với EU. Bên cạnh đó, thái độ kém cầu thị của London càng làm cho việc thương thảo này trở nên khó khăn hơn.
Vào tháng 4 tới đây, Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường sẽ ghé thăm Brussels và tham dự thượng đỉnh thường niên với lãnh đạo khối EU. Động thái của Bắc Kinh được cho là chiến thuật chia cắt và bẻ gãy liên kết khối EU.
Hôm 21-3, Nghị viện EU đánh giá TQ “đang cùng lúc trở thành đối tác vừa có cùng mục tiêu với EU mà EU có thể hợp tác, vừa là đối tác mà EU cần phải đàm phán để tìm ra điểm cân bằng trong lợi ích giữa hai bên, vừa là đối thủ cạnh tranh về kinh tế theo đuổi vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ”.
Hiện tại TQ đang là bạn hàng lớn nhất của EU, trong khi khối này là đối tác lớn thứ hai của Bắc Kinh chỉ sau Mỹ. Ước tính thương mại giữa hai bên trung bình đạt 1 tỉ USD/ngày. Vì vậy, đối với Brussels, việc có được một chính sách thống nhất để đàm phán với TQ mà không mắc một sai lầm nào là một yêu cầu hết sức cần thiết. Tuy nhiên, quá trình đi đến sự thống nhất này lại khiến cho sự chia rẽ giữa các nước trong khối EU lớn dần lên. Đơn cử, chính sách ngoại giao cứng rắn với TQ của Đức đang khiến nước này gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của các nước thành viên EU khi phần đông đều rất sẵn sàng đón nhận các khoản đầu tư béo bở từ Bắc Kinh.
Rõ ràng nhất là Ý. Hôm 24-3, người đứng đầu chính quyền Rome, ông Giuseppe Conte, cùng Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã ký 29 thỏa thuận thương mại với giá trị lên đến 2,8 tỉ USD, mở đường cho Ý trở thành thành viên EU đầu tiên gia nhập sáng kiến “Vành đai, Con đường” của TQ.
Nghiên cứu viên Lucrezia Poggetti thuộc Viện Nghiên cứu TQ học Mercator đặt tại Berlin (Đức) cho rằng việc kéo được Ý vào dự án đầy tham vọng này của TQ mang về cho Bắc Kinh một thắng lợi về mặt kinh tế. Ngoài ra, nó còn cung cấp cho TQ một lợi thế to lớn trên bàn đàm phán về các vấn đề trọng điểm khác trong tương lai với EU.
“TQ rất thích đàm phán riêng rẽ với từng nước trong khối EU thay vì toàn bộ liên minh. Trong quan hệ song phương, TQ luôn ở thế “kèo trên” khi nước này sở hữu sức mạnh kinh tế khổng lồ nếu đem so sánh với mỗi nước trong khối EU” - bà Poggetti nói. Bà Poggetti cũng nhắc đến Hy Lạp và Hungary. Hai nước này đã giảm chỉ trích những hành động bành trướng của TQ tại khu vực biển Đông. Đặc biệt vào năm 2017, Athen đã phản đối khi EU đưa ra tuyên bố chỉ trích những vi phạm quyền con người của TQ.
“Hy Lạp lo ngại việc phật ý TQ nhiều khả năng sẽ khiến nước này mất đi những cơ hội thương mại mà Bắc Kinh đã hứa hẹn. Vậy nên Hy Lạp đã chọn giải pháp đối đầu với EU. Hungary cũng đang nhích lại gần hơn với TQ về mặt chính trị” - bà Poggetti nói.
Lãnh đạo EU tiếp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (phải) tại Pháp. Ảnh: REUTERS
Chia rẽ EU là chiến lược tốt cho Trung Quốc
Hôm 25-3, trong một bài viết đăng trên tờ Nikkei Asian Review, cựu bộ trưởng Bồ Đào Nha ở EU, ông Bruno Macaes, cảnh báo TQ đang khai thác những mâu thuẫn cả mới lẫn cũ giữa khối EU cho mục đích riêng của mình. “Vấn đề ở đây là EU không sở hữu một cơ chế hiệu quả để giải quyết những xung đột nghiêm trọng giữa các nước thành viên. Việc này đã khiến cho các thành viên EU phải kêu gọi các chủ thể phía ngoài để giải quyết mâu thuẫn hiện tại” - ông Bruno nói.
Mỹ đã thử chiến lược tiếp cận riêng lẻ các nước thành viên EU. Tổng thống Donald Trump chỉ trích Đức về vấn đề quốc phòng, đưa ra những lợi ích chính trị không thể cưỡng lại đối với Ba Lan, Anh và không tiếc lời khen ngợi Ý. Cựu Bộ trưởng Bồ Đào Nha tại EU BRUNO MACAES |
Ngoài ra, ông Bruno cho rằng khi sự xung đột về mô hình EU không chỉ xảy ra đối với Anh mà còn lan rộng sang Ý, Hungary và các nước thành viên khác. Vì vậy, cơ hội TQ tìm được một đối tác hợp tác càng dễ dàng hơn.
“Khả năng TQ khai thác sâu mâu thuẫn giữa EU và các nước thành viên nghi ngờ mô hình EU là cực kỳ dễ dàng. EU cần phải chuẩn bị việc Ý, thành viên sáng lập và là nền kinh tế lớn thứ ba EU, thoái lui trong các chính sách của EU với TQ” - ông Bruno nói.
Thêm vào đó, Vương quốc Anh đang trở thành một trong những đại diện tiêu biểu nhất cho phong trào chống EU. Các chính trị gia ở Anh và EU đều cùng chung quan điểm rằng một nước Anh nằm ngoài EU sẽ trở thành đối thủ chứ không còn là đồng minh của khối. Sự cạnh tranh này nằm ở những thương vụ làm ăn và các khoản đầu tư của TQ. Bên cạnh đó, nếu Anh có thể phát triển ngay cả khi rời khỏi EU (Brexit) thì điều đó sẽ kích thích mạnh mẽ sự ly khai của các nước thành viên khác đang có ý định rời EU.
Jonathan Sullivan, chuyên gia về TQ ở ĐH Nottingham (Anh), cho rằng quyền lực của EU trong lĩnh vực thương mại và ngoại giao hiện nay đều dựa vào sự hành động thống nhất của toàn khối (bao gồm cả Anh). Vì vậy, nếu TQ muốn mở đường tiến vào châu Âu thì một trong những giải pháp hiệu quả nhất chính là phá vỡ sự đoàn kết của EU, qua đó tìm cách tiếp cận và đàm phán riêng với từng nước thành viên.
Áp lực từ bên ngoài Bắc Kinh không phải là thế lực duy nhất nhắm vào sự thống nhất của EU. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng những lợi ích kinh tế và chính trị để kêu gọi sự ủng hộ của từng nước thành viên riêng lẻ trong khối EU trong những vấn đề mà Mỹ không đạt được sự đồng thuận với Brussels. Ví dụ, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm ngoái. Không chỉ TQ, Mỹ mà Nga cũng được cho là quốc gia tìm cách khỏa lấp các khoảng trống trong quan hệ lung lay giữa các nước thành viên EU. Trước sự đe dọa đến từ nhiều phía, EU phải tìm giải pháp giúp khối này đứng vững từ khi thành lập, đó là sự đoàn kết giữa các nước thành viên. Theo đó, mặc dù những yếu tố bên ngoài đã làm sự chia rẽ giữa các thành viên ngày càng trầm trọng nhưng một mặt nào đó chúng đã khiến các nước EU thấy được cái giá phải trả khi một mình đàm phán và đương đầu với những cường quốc khổng lồ như Mỹ, TQ hay Nga. |