Kinh tế Trung Quốc đang chứng kiến tình trạng giảm phát kéo dài nhiều tháng.
Tờ Financial Times dẫn công bố chính thức của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết đến hết tháng 12-2023, chỉ số giá tiêu dùng nước này hạ 0,3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá sản xuất giảm 2,7%.
Đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc ở trong ngưỡng giảm phát, đặt các nhà hoạch định chính sách trước áp lực khôi phục niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Từ khi rơi vào giảm phát, tháng 7-2023 đến nay, kinh tế Trung Quốc chứng kiến giá cả đi ngang hoặc giảm trong tất cả các tháng, trừ tháng 8. Diễn biến ấy xuất hiện trong tình trạng thương mại sụt giảm, niềm tin người tiêu dùng suy yếu, lĩnh vực bất động sản khó khăn, với bối cảnh một thời gian dài trước đó cả nước phải trải qua các biện pháp kiểm soát COVID-19 ngặt nghèo.
Trung Quốc nỗ lực giải quyết tình trạng giảm phát với việc thực thi cùng lúc nhiều biện pháp kích cầu, bao gồm nới lỏng chính sách tín dụng, bơm thêm vốn vào nhiều lĩnh vực chiến lược, đặc biệt là bất động sản - lĩnh vực thường chiếm tỉ trọng 25% các hoạt động kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bơm thêm ước tính khoảng 995 tỉ nhân dân tệ tương đương 139 tỉ USD thông qua kênh cho vay trung hạn, giúp cải thiện thanh khoản và đáp ứng nhu cầu vốn của kinh tế Trung Quốc.
Tín dụng cũng được bơm thêm vào nền kinh tế. Các ngân hàng Trung Quốc cấp tổng số 1.170 tỉ nhân dân tệ tương đương 163,31 tỉ USD các khoản vay mới trong tháng 12-2023, cao hơn so với tháng trước đó nhưng thấp hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia, theo số liệu mới nhất từ PBOC.
Tính cả năm 2023, tổng giá trị của các khoản vay mới tại các ngân hàng lập kỷ lục 22.750 tỉ nhân dân tệ tương đương với GDP của Anh. Giá trị này cao hơn đáng kể 6,8% so với con số 21.320 tỉ nhân dân tệ của năm 2022.
“Chính sách tiền tệ và tài khóa từ quý IV-2023 đã bắt đầu đúng hướng. Tuy nhiên, các chính sách mới này cần thời gian mới cải thiện được tình trạng giảm phát của nền kinh tế Trung Quốc” - ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại quỹ quản lý tài sản Pinpoint Asset Management (Thượng Hải, Trung Quốc) nhận định với tờ Financial Times.
Giới chức quản lý kinh tế Trung Quốc đang nhắm đến mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 5%, tương đương kết quả năm 2023. Đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập niên.