Trung Quốc nói gì về gói cứu trợ 1.900 tỉ USD ông Biden quyết?

Theo tờ South China Morning Post, gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỉ USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết đã khiến Trung Quốc phải nâng cao cảnh giác. 

Trung Quốc lo thị trường tài chính bị xáo trộn

Các quan chức chính phủ và cố vấn của Trung Quốc đã công khai bày tỏ lo ngại rằng việc bơm số tiền khổng lồ vào thị trường toàn cầu có thể thổi phồng bong bóng kinh tế, gây xáo trộn thị trường tài chính và dẫn đến lạm phát.

Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ - bao gồm 1.400 USD thanh toán trực tiếp gửi cho người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu, gia hạn trợ cấp thất nghiệp, tài trợ cho các chính quyền địa phương và tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19, cũng như tiền tài trợ cho việc triển khai vaccine - đã nhận được sự chấp thuận cuối cùng từ Quốc hội Mỹ vào ngày 10-3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS

Ngày 11-3, ông Biden đã ký thông qua luật này, tạo ra một động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế Mỹ nhưng cũng làm dấy lên lo ngại rằng tăng trưởng có thể quá nóng và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến trước đó.

Ông Hoàng Kỳ Phàm - cựu thị trưởng Trùng Khánh và là một cố vấn của chính phủ Trung Quốc - mô tả kế hoạch trên là "một cơn lũ dã man và dữ dội". Ông cảnh báo gói cứu trợ này đặt ra thách thức lớn cho phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.

“Gói cứu trợ 1.900 tỉ USD nhìn chung sẽ được cấp tiền thông qua đợt in tiền mới. Chắc chắn nó sẽ dẫn đến thanh khoản và lạm phát lớn” - ông Hoàng nói hôm 8-3.

Những người chỉ trích đạo luật trên cho rằng nó làm gia tăng nguy cơ bùng phát lạm phát trở lại.

Hầu hết các thành viên trong nhóm hoạch định chính sách của Bắc Kinh đều đứng về phía những người chỉ trích và cảnh giác cao độ về những tác động liên quan có thể xảy ra kể từ khi kế hoạch được công bố vào tháng 1 vừa qua.

Các quan chức Trung Quốc lo ngại rằng thanh khoản bổ sung vào các thị trường toàn cầu, cùng với nguồn tiền vốn dĩ đã dồi dào, có thể tạo ra bong bóng kinh tế đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu, bao gồm cả ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jay Powell và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bác bỏ những lo ngại, cho rằng sẽ mất nhiều năm để nền kinh tế Mỹ và thị trường việc làm phục hồi hoàn toàn sau những thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra.

“Tác dụng phụ” của gói cứu trợ

Những lời chỉ trích về kế hoạch này ngày càng trở nên gay gắt hơn trong những ngày gần đây do giá cổ phiếu Trung Quốc gần đây giảm mạnh và lạm phát tại các nhà máy gia tăng do giá nguyên liệu thô cao hơn.

Theo ông Hoàng, nợ chính phủ Mỹ đang ở mức khá cao - ở mức 27.800 tỉ USD vào cuối năm 2020 và thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang ước tính khoảng 3.100 tỉ USD - có thể gây nguy hiểm cho giá trị của đồng đô la Mỹ và gây rối loạn thị trường tài chính và mang lại “rủi ro hệ thống” cho nền kinh tế toàn cầu.

“Các dấu hiệu đã ngày càng rõ ràng hơn khi quan sát sự biến động gần đây của cổ phiếu và trái phiếu Mỹ, cũng như giá hàng hóa ở nước này” - ông nói thêm.

Các nhà quản lý tài chính Trung Quốc đã bày tỏ lo lắng về tác động của kế hoạch cứu trợ trên của vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đối với dòng vốn và thị trường tài chính trong nước.

Vào tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc Guo Shuqing đã cảnh báo về "tác dụng phụ" của kế hoạch. Theo ông, một bong bóng thị trường Mỹ khổng lồ có thể đang hình thành.

"Chúng tôi rất lo ngại về thị trường tài chính, đặc biệt là sự bùng nổ của bong bóng tài sản tài chính nước ngoài" - ông cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới