Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ tập trung vào thúc đẩy việc phân phát vaccine ngừa COVID-19 đến mọi người dân, cũng như thúc đẩy gói cứu trợ COVID-19 khổng lồ trị giá 1.900 tỉ USD.
Trong bối cảnh dự luật cứu trợ COVID-19 đã được Thượng viện Mỹ thông qua và tiến trình tiêm chủng tại nước này được đẩy nhanh, Nhà Trắng đang chuẩn bị bắt tay vào một giai đoạn mới - tương tác với công chúng nhiều hơn.
Theo đài NBC News ngày 9-3, Nhà Trắng thông báo ông Biden sẽ có bài phát biểu vào khung giờ cao điểm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống vào tối 11-3 (giờ địa phương), đánh dấu một năm kể từ khi đại dịch COVID-19 tấn công nước này.
Bài phát biểu "khung giờ vàng” đầu tiên ông Biden
Phát biểu trước báo giới hôm 8-3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết ông Biden sẽ có bài phát biểu trực tiếp trước máy quay “về những hy sinh của người Mỹ trong năm vừa qua cũng như những tổn thất lớn mà cộng đồng, các gia đình trên toàn quốc phải gánh chịu”.
Qua bài phát biểu, ông Biden cũng sẽ phát đi thông điệp “nhìn về phía trước, nêu bật vai trò của người Mỹ trong việc đánh bại đại dịch và đưa đất nước trở lại bình thường” - bà Psaki cho biết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP
Bài phát biểu tối 11-3 sẽ là bài phát biểu vào khung giờ cao điểm đầu tiên của ông Biden kể từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ. Động thái này được đưa ra vào thời điểm gần tròn một năm kể từ khi nhiều doanh nghiệp, trường học tại Mỹ chuyển sang chế độ học và làm việc từ xa để bảo vệ người dân khỏi COVID-19.
Ngoài ra, bài phát biểu cũng được thực hiện sau một tuần chính quyền ông Biden thúc đẩy các nỗ lực đối phó đại dịch COVID-19.
Trước đó, Thượng viện Mỹ ngày 6-3 đã thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỉ USD do ông Biden đề xuất. Dự luật này sẽ được gửi lại cho Hạ viện thông qua lần cuối trong tuần này trước khi được gửi tới tổng thống để ký ban hành.
“Chiến dịch PR” của ông Trump?
Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 10-3 đăng bài bình luận rằng ông Biden đang lên kế hoạch xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông hơn, bao gồm một bài phát biểu quan trọng trong khung giờ vàng tối 11-3, một cuộc họp báo đầu tiên trong nhiệm kỳ vào cuối tháng này và một bài phát biểu trước Quốc hội (vẫn chưa được lên lịch).
Theo đó, chính quyền ông Biden được cho là đang bận rộn chuẩn bị cho một “chiến dịch PR” rộng rãi nhằm thu hút sự chú ý của công chúng đến lợi ích của gói cứu trợ COVID-19 do ông đề xuất.
“Chiến dịch” này cũng có sự tham gia của đệ nhất phu nhân Jill Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris.
“Có rất nhiều người sử dụng thuật ngữ 'vòng đua chiến thắng' một cách xúc phạm. Tôi đã nghe một số người nói rằng ông Biden sắp sửa giành chiến thắng. Thật là tào lao” - Jim Clyburn, một đồng minh thân cận của ông Biden nói.
“Một trong những sai lầm - nếu không muốn nói là lớn nhất - mà ông Barack Obama đã mắc phải, theo quan điểm của tôi, là đưa ra Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư mà không giải thích cho mọi người về những gì ông ấy đã làm” – ông Clyburn cho biết.
Ông Joe Biden, Đệ nhất phu nhân Jill Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và ông Doug Emhoff trong phút mặc niệm tưởng nhớ những người Mỹ đã thiệt mạng vì COVID-19. Ảnh: AP
Theo SCMP, ông Biden và các quan chức cấp cao thừa nhận rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo lợi ích của gói cứu trợ có thể đi sâu vào ý thức của công chúng. Chính quyền ông Biden đã dành nhiều tuần để lên kế hoạch cẩn thận về cách tốt nhất để bắt đầu nỗ lực của mình.
Bà Psaki hôm 9-3 nói rằng một khi dự luật “Kế hoạch Giải cứu người Mỹ” được ký kết, "chúng tôi sẽ cần làm một số công việc và sử dụng tiếng nói tốt nhất của mình".
Một phần trong chiến lược của Nhà Trắng trước khi gói cứu trợ COVID-19 được thông qua là nhằm tránh các sự cố phát ngôn hy hữu của ông Biden trong những thời khắc sơ suất. Đó là một lý do mà Nhà Trắng cho đến nay đã tránh sắp xếp các cuộc phát biểu của ông Biden trước báo giới, nhằm hạn chế các câu hỏi phỏng vấn sâu.
“Chiến dịch PR” sắp tới sẽ đòi hỏi ông Biden đảm nhận một tư thế mới: ít sự kiện theo kịch bản và các cuộc thảo luận riêng tư với các nhà lập pháp hơn, thay vào đó là tương tác với báo chí và xuất hiện trước công chúng nhiều hơn.
Điều này sẽ giúp ông Biden có cơ hội đưa ra lời kêu gọi tình cảm hơn, chẳng hạn như nhấn mạnh việc các thành viên lớn tuổi trong gia đình cuối cùng cũng có thể quây quần cùng con cháu.
Lưu lại dấu ấn của ông Biden?
SCMP dẫn lời ông Dan Pfeiffer - cựu quan chức cấp cao dưới thời ông Obama – cho biết một trong những thách thức hiện này của chính quyền ông Biden là: “Làm cách nào để cân bằng giữa việc thể hiện những gì bạn đã làm với việc thúc đẩy những thứ bạn vẫn muốn hoàn thành trong một môi trường truyền thông ít hoặc không có sự chú ý”.
Một gợi ý mà Pfeiffer đưa ra là đưa các video, biểu đồ và đồ họa thể hiện các các "tin tốt" xung quanh gói cứu trợ "tràn ngập khu vực".
Tuy nhiên, như bà Psaki đã xác nhận trước báo giới hôm 9-3, có những giới hạn đối với mức độ quảng bá mà Nhà Trắng sẽ thực hiện.
Đáng chú ý, các quan chức sẽ không đưa tên của ông Biden lên các tấm séc (cheque) cứu trợ. Đó là điểm khác biệt so với ông Donald Trump khi các khoản thanh toán được quốc hội thông qua vào năm 2020 đều mang tên ông.
“Đây có thể là ưu tiên hàng đầu đối với bất kỳ tổng thống nào, nhưng điều đó là không cần thiết khi điểm mấu chốt là mang lại sự cứu trợ” – bà Psaki lập luận.
“Tôi không nghĩ rằng bạn cần phải làm điều đó. Tôi nghĩ người Mỹ chỉ muốn tấm séc được chuyển thành tiền mặt” – cựu thư ký báo chí của ông Obama Robert Gibbs nói.