Theo Tân Hoa Xã, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 2-8 đã mạnh mẽ phản đối Sách trắng quốc phòng năm 2016 của Nhật Bản, được công bố trước đó cùng ngày. Sách trắng Nhật Bản nêu bật quan ngại về hành động đơn phương của Bắc Kinh làm leo thang căng thẳng ở biển Hoa Đông và biển Đông.
“Sách trắng của Nhật Bản chứa đựng luận điệu thù địch với quân đội Trung Quốc, nó làm khuấy đảo mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, đồng thời nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế” - Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm.
Trung Quốc phóng tên lửa từ tàu hải quân trong cuộc tập trận bắn đạn thật mới đây ở Hoa Đông. Ảnh: AP
Về vấn đề biển Đông, ông Ngô cho rằng Nhật Bản đang cố gây trở ngại cho lợi ích của chính nước này.
“Những gì chúng tôi muốn nhắc Nhật Bản là vấn đề tự do hàng hải không bao giờ trở thành vấn đề ở biển Đông, trong khi đó sự can thiệp của Nhật Bản và các quốc gia ngoài khu vực đang gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trong khu vực” - ông Ngô nói.
Về vấn đề quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói đảo Điếu Ngư là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Ông nói Nhật Bản đã nhiều lần thổi phồng cái gọi là “chạm mặt bất thường ở cự ly gần” giữa máy bay quân sự Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Đối với các cáo buộc trong Sách trắng cho rằng Trung Quốc gia tăng hành động quân sự ở quần đảo Điếu Ngư, ông Ngô Khiêm nói những gì quân đội Trung Quốc làm là phù hợp bởi quần đảo này thuộc về nước này.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi Tokyo có các hành động cụ thể để tạo điều kiện cải thiện mối quan hệ Trung-Nhật.
Nhật Bản lần đầu công bố Sách trắng về quốc phòng vào năm 1970 và sau đó được soạn thảo mới mỗi năm kể từ năm 1976.
Ngày 2-8, nội các Nhật đã thông qua Sách trắng quốc phòng thường niên 2016 của Nhật. Năm nay, Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản dài 480 trang, trong đó khoảng 30 trang đề cập những hành động của quân đội Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông cũng như cảnh báo về chiến lược biển của Trung Quốc.
Cụ thể, Sách trắng quốc phòng của Nhật cho rằng hoạt động trên không và trên biển mang tính chất hung hăng và bành trướng nhanh chóng của Trung Quốc cùng với tình trạng thiếu minh bạch trong tăng cường quân sự của Trung Quốc đã gây bất ổn cân bằng quân sự trong khu vực. Một số hành động của Trung Quốc trong yêu sách hàng hải mâu thuẫn là hành động nguy hiểm có thể dẫn tới tình hình ngoài dự kiến.
Hành động bồi đắp và xây dựng của Trung Quốc ở biển Đông là khiêu khích. Trung Quốc đã thúc đẩy sử dụng các đảo tôn tạo nhằm mục đích quân sự, đồng thời vừa tiếp tục mở rộng sang Ấn Độ Dương. Bắc Kinh phải chấp nhận phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài nhằm giải quyết tranh chấp hàng hải với Philippines.
Trung Quốc đã gia tăng hoạt động xung quanh các đảo do Nhật kiểm soát mà cả hai đang tranh chấp. Một tàu chiến Trung Quốc đã đi vào vùng biển Nhật ngay bên ngoài khu vực tranh chấp. Tình hình gia tăng hoạt động trên biển Hoa Đông đến mức Nhật đã phải đuổi các máy bay Trung Quốc hơn 570 lần hồi năm ngoái.