Theo Sputnik, đây là loại máy bay tiêm kích hai chỗ ngồi, được đánh giá là một tiêm kích giàu tiềm năng của Không quân quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF).
Phiên bản tác chiến điện tử J-16EW của Trung Quốc (Nguồn: IHS Jane's)
Những hình ảnh của phiên bản mới này cũng được đăng tải trên các trang quân sự nước này, trong đó có cả một đoạn báo cáo bằng video được đăng trên trang Ifeng hôm 21-12.
Theo IHS Jane’s, biến thể mới của J-16 có nhiều điều chỉnh đáng chú ý như hai cột lắp ở đầu mút cánh tương tự như thiết bị thu nhiễu AN/ALQ-218 của Northrop Grumman. Ngoài ra trang tin IHS Jane’s cũng đem nhiều chi tiết mới của J-16 so sánh với phiên bản tác chiến điện tử E/A-18G của F-18 do hãng Boeing sản xuất.
Quan sát cho thấy mẫu thử nghiệm J-16EW không có súng máy được gắn trên thân máy bay cũng như hệ thống theo dõi - dò tìm bằng hồng ngoại. Tuy vậy, J-16 – vốn có cấu tạo tương tự Su-30 - có đến 10 điểm gắn vũ khí trên thân và cánh máy bay.
Phiên bản tác chiến điện tử E/A-18G của Mỹ
Được biết Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện đang phát triển ba loại tổ hợp tác chiến điện tử cấp chiến thuật. Loại thứ nhất tương tự như tổ hợp AN/ALQ-99, có thể gồm các phiên bản thu và phát tín hiệu gây nhiễu riêng, được ra mắt lần đầu trên tiêm kích JH-7 của tập đoàn Tây An vào năm 2007. Một tổ hợp KG600 nhỏ hơn cũng được gắn trên các máy bay JH-7, ngoài ra còn có phiên bản xuất khẩu KG300.
Cũng theo IHS Jane’s, phiên bản J-16 EW cho tác chiến điện tử sẽ được trang bị tương tự như E/A-18G, cho phép PLAAF dễ dàng tiếp cận mục tiêu tấn công hơn trong khi tránh được các hệ thống phòng không ngày càng chính xác.
Phiên bản tác chiến điện tử của J-16 khi được phát triển thành công có thể mở ra cơ hội phát triển phiên bản tác chiến điện tử cho mẫu J-15S.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, tương tự như vai trò của E/A-18G trong không quân Mỹ, phiên bản gây nhiễu của J-16 sẽ giúp không quân Trung Quốc giảm lệ thuộc vào các máy bay hỗ trợ điện tử - vốn là các mục tiêu to lớn và dễ bị bắn hạ.
Vào đầu năm 2014, một nguồn tin chính quyền châu Á ước tính đến năm 2020, PLAAF sẽ có khoảng 100 máy bay J-16 đang hoạt động, tuy nhiên,con số này có thể tăng lên nhờ vào phát triển phiên bản tác chiến điện tử.