Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Vương Nghị tuần này đang có chuyến công du dài 12 ngày đến năm quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung trong khu vực ngày càng căng thẳng.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Myanmar hôm 3-7. |
Lịch công du bận rộn của ông Vương Nghị
Tờ South China Morning Post dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao TQ cho biết ông Vương Nghị hiện đã đến TP Bagan của Myanmar - điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du. Ông là quan chức cấp cao nhất của TQ đến Myanmar kể từ sau loạt khủng hoảng chính trị ở nước này hồi tháng 2 năm ngoái. Tại đây, ông đã đồng chủ trì Hội nghị bộ trưởng ngoại giao lần thứ bảy cơ chế Hợp tác Lan Thương - Mekong, với sự tham dự của những người đồng cấp từ các nước hạ lưu sông Mekong gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia.
Điểm đến tiếp theo của ông Vương là Thái Lan, nước chủ nhà Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11. Hai bên đã thảo luận về thúc đẩy hợp tác thương mại hậu đại dịch COVID-19, bao gồm việc tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển nông sản từ Thái Lan sang TQ, đầu tư và kết nối như việc liên kết tuyến đường sắt TQ - Lào với hệ thống đường sắt của Thái Lan.
Sau đó ông Vương thăm Philippines và Malaysia, trước khi đến Indonesia để tham dự Hội nghị thượng đỉnh bộ trưởng ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Tại Philippines, ông Vương ngày 6-7 đã gặp tân Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo và hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng đối với hai quốc gia. Ông Vương cũng đã gửi lời cám ơn đến chính quyền của tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. về việc Manila sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách thân thiện với Bắc Kinh.
Trước đó, hồi cuối tháng 6, Phó Chủ tịch TQ Vương Kỳ Sơn đã dự lễ nhậm chức của ông Marcos Jr. Như vậy, hai quan chức cấp cao của TQ đã liên tiếp đến thăm quốc gia này không lâu sau khi Philippines có tổng thống mới. Đây là một động thái mà giới chuyên gia đánh giá là thể hiện sự chủ động và quyết tâm ổn định, củng cố mối quan hệ với Manila nhằm định hình mối quan hệ giữa hai nước trong những năm tới của Bắc Kinh.
Song song với chuyến công du Đông Nam Á của ông Vương Nghị là chuyến thăm hai nước Singapore và Indonesia của Ngoại trưởng Úc Penny Wong trong tuần này. Bà cũng dự kiến sẽ đến Indonesia để dự Hội nghị thượng đỉnh bộ trưởng ngoại giao G20.
Trung Quốc siết chặt quan hệ với Đông Nam Á
Không chỉ Philippines, các chuyên gia còn chỉ ra rằng TQ dường như đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ và gia tăng ảnh hưởng với các nước khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa nước này và Mỹ ở đây đang ngày càng gay gắt. Chuyên gia Hứa Lợi Bình thuộc Viện Khoa học xã hội TQ cho biết sự ổn định trong quan hệ TQ - Philippines hay hầu hết các nước khác trong khu vực sẽ được ưu tiên và thúc đẩy trong tương lai gần. Ngoài ra, trên thực tế thì hiện nay là thời điểm tốt để Bắc Kinh đi bước lớn bởi bất chấp những nỗ lực và cam kết của Mỹ, trong bối cảnh Washington vẫn đang tập trung nhiều vào cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Theo South China Morning Post, đây cũng không phải chuyến thăm đầu tiên đến Đông Nam Á của ông Vương trong năm nay nhưng điểm đặc biệt là nó diễn ra ngay khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo 10 quốc gia Đông Nam Á hồi tháng 5 và công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối đầu ảnh hưởng của TQ trong khu vực. Hơn nữa, ông Vương cũng vừa trở về sau khi công du đến khu vực Nam Thái Bình Dương và Trung Á - hai khu vực mà Mỹ cũng đang thúc đẩy các nỗ lực để gia tăng vị thế và ảnh hưởng.
Trong một tuyên bố hồi cuối tuần trước khi thông báo về chuyến đi của ông Vương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên cho biết Bắc Kinh đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm này. Ông nhấn mạnh các quốc gia Đông Nam Á là “đối tác quan trọng chia sẻ lợi ích chung và tìm kiếm sự phát triển chung” với TQ. “Chuyến thăm của Bộ trưởng Vương Nghị diễn ra giữa lúc thế giới phải đứng trước những bất ổn và thay đổi. Đông Nam Á và TQ phải cùng nhau đối diện với khó khăn, mạnh mẽ duy trì hòa bình và ổn định khu vực, cùng nhau nâng quan hệ lên tầm cao mới, năng động hơn” - ông Triệu khẳng định.
Cũng theo ông Triệu, Bắc Kinh hy vọng sẽ cùng các nước này thúc đẩy việc thực hiện, cũng như tăng cường các nỗ lực nhằm phục hồi kinh tế, duy trì ổn định và trị an, đóng góp lớn hơn cho sự phát triển hòa bình của khu vực và trên thế giới.•
Nhiều hãng công nghệ chuyển dây chuyền từ Trung Quốc đến Đông Nam Á
Tờ The Nikkei cho biết sức ép từ các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt của TQ đang góp phần đẩy nhanh một cuộc “di cư công nghệ” từ TQ, khi nhiều công ty công nghệ đẩy mạnh việc di dời hệ thống sản xuất đến Đông Nam Á và Ấn Độ. Apple, Samsung và ngay cả công ty TQ là Xiaomi nhiều tháng qua đã chuyển một phần đáng kể dây chuyền sản xuất qua Việt Nam, cũng như chọn nước này là nơi đặt sản xuất các dòng sản phẩm chủ lực của họ.
“Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á hưởng lợi lớn nhất khi các nhà máy rời TQ. Lợi thế của Việt Nam là cho phép các nhà sản xuất dễ dàng tiếp cận với các thành viên trong ASEAN và những ưu đãi trong các hiệp định khắp châu Á, Liên minh châu Âu và Mỹ” - The Nikkei cho hay.
Theo The Nikkei, một trong những lý do khiến Việt Nam có thể trở thành “công xưởng mới” của thế giới là chi phí lao động thấp hơn so với TQ. Lương trung bình của một công nhân trong nhà máy lắp ráp TQ khoảng 24 triệu đồng, trong khi ở các nhà máy Việt Nam là 8-10 triệu đồng.