Trung Quốc theo đuổi 'zero COVID', hàng Việt ùn ứ ở cửa khẩu

Theo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, tình hình ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn có thể còn kéo dài từ nay đến hết tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Hàng ngàn xe đang bị kẹt ở cửa khẩu

Ngày 8-12, thông tin tới Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, cho biết do phía Trung Quốc (TQ) đang kiểm soát dịch COVID-19 rất chặt nên tốc độ thông quan hàng hóa qua cửa khẩu rất chậm. Trung bình mỗi ngày, trên các cửa khẩu ở Lạng Sơn tồn trên 3.000 container, trong đó chủ yếu là các xe hàng chở nông sản, trái cây của Việt Nam.

Năng lực thông quan trên các cửa khẩu biên giới với phía Trung Quốc đang rất chậm khiến hàng ngàn xe ùn ứ  và nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ngày càng khó khăn (ảnh nhỏ). Ảnh: AN HIỀN

“Tốc độ thông quan rất ì ạch, chỉ bằng 50% so với bình thường, nhất là ở các cửa khẩu như Hữu Nghị, Tân Thanh. Hiện mỗi ngày chỉ thông quan chưa đến 1.000 xe” - ông Vượng dẫn chứng.

Theo ông Vượng, phía TQ đang theo đuổi chính sách “zero COVID”, nên kiểm soát rất chặt từng xe hàng ra vào biên giới. Đặc biệt trong một tháng trở lại đây, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở một số tỉnh biên giới như Cao Bằng, Quảng Ninh cũng bị kiểm soát rất nghiêm ngặt. Hàng hóa không đi được nên đổ dồn lên các cửa khẩu chính ngạch tại Lạng Sơn dẫn đến ùn ứ, quá tải.

Đáng lưu ý, lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết phía TQ thông báo sẽ kiểm soát ngày càng chặt hơn, do đó tình hình thông quan chậm như hiện nay có thể sẽ kéo dài đến hết tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nhất là khoảng thời gian trước và sau tết Nguyên đán hai tuần, hoạt động thông quan bị hạn chế tới mức tối đa.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, thông tin các doanh nghiệp (DN) trong hội đang có khoảng 200 xe chở thanh long nằm đợi trên cửa khẩu ở Lạng Sơn chờ thông quan.

“Nếu mọi lần giao hàng chỉ mất 4-6 ngày thì bây giờ thời gian giao hàng phải kéo dài lên tới 10 ngày hoặc hơn. Vì thông quan chậm, xe hàng không thể sang giao ngay cho đối tác nên nhiều khoản chi phí bị đội lên khoảng 3 triệu đồng/xe, chưa tính lượng nông sản hao hụt do bị hư hỏng” - ông Trịnh nói.

Trước tình hình trên, nhiều DN đang hạn chế đưa xe ra cửa khẩu, đồng thời tìm thêm các đơn hàng mới tại nhiều thị trường khác. Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Safari, cho biết sẽ giảm bớt xe hàng lên cửa khẩu, đồng thời thông báo cho các vùng trồng thu hái, sản xuất chậm lại. Đợi đến khi năng lực thông quan tại cửa khẩu tốt hơn, hoạt động bình thường trở lại thì tăng năng lực sản xuất, xuất khẩu để giảm bớt thiệt hại.

Mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT, cho hay cách đây vài ngày, ông có đi kiểm tra và biết được mỗi ngày trên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chỉ thông quan được khoảng 220 xe nông sản, rau quả. Năng lực thông quan đã giảm một nửa so với trước kia.

Với tình hình thông quan bị kiểm soát chặt chẽ như hiện nay, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến nghị các DN nên nghiên cứu kỹ lịch đơn hàng từ nay đến cuối năm. “Vì dịp tết Nguyên đán là thời gian cao điểm nên các đơn hàng cần phải thống nhất với bạn hàng phía TQ về lộ trình trả hàng sao cho tránh thiệt hại” - ông Hòa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các DN và địa phương nên tập trung nhiều vào công tác chế biến, bảo quản nông sản. Qua đó để tránh nông sản bị hư hỏng, đồng thời tránh tình trạng bị ép giá, lãng phí các chi phí logistics, bảo quản, bến bãi, vận chuyển dọc đường... Vì ngoài thị trường TQ, các DN có thể cấp đông sản phẩm xuất khẩu theo đường biển sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ hiện đang phục hồi, có nhu cầu cao trong dịp Giáng sinh, tết Dương lịch.

Đặc biệt, trước tình hình ách tắc tại cửa khẩu như hiện nay, cần tăng cường sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng khu vực cửa khẩu và tăng cường tính dự báo về thời điểm trả hàng. Vì nếu đưa hàng quá nhiều lên biên giới thì vẫn ùn ứ, phải chờ do phía bạn áp dụng chính sách “zero COVID” nên rất khắt khe.

“Họ kiểm dịch, kiểm tra với tần suất rất cao, mà lực lượng tại chỗ thì không như mình nên chúng ta phải ứng phó một cách khoa học, kịp thời, phòng chống dịch bệnh hiệu quả một cách cao nhất. Thực tế chỉ một ca nhiễm xảy ra thì sẽ ảnh hưởng toàn tuyến” - lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.•

 

Chuyển sang đi đường biển

Ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cũng cho biết các DN đang hạn chế xuất khẩu đường bộ, thay vào đó chuyển sang đi đường biển hoặc tìm đơn hàng tại các thị trường khác như Singapore, Dubai, Ấn Độ, Malaysia...

“May mắn là các DN đều có đối tác mua bán tại các thị trường này nên không bị động nhiều” - ông Hoàng cho biết.

Tăng cường hội đàm với phía bạn

Trước lượng xe hàng dồn về nhiều, ông Nguyễn Hữu Vượng cho biết thời gian qua, UBND tỉnh này đã chỉ đạo các lực lượng tận dụng các bến bãi, đặc biệt là bến bãi trong khu vực cửa khẩu cho xe nằm chờ trong thời gian đợi thông quan; đồng thời tổ chức xét nghiệm, thực hiện công tác phòng chống dịch với các chủ xe, tài xế đường dài... nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh trong khu vực cửa khẩu.

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ đạo tăng cường hội đàm với phía TQ, qua đó đề nghị phía bạn tăng lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu; tăng lực lượng tài xế, tài xế chuyên dụng ở tại khu vực biên giới, để tỉ lệ xe container chở sang, quay đầu về nhanh hơn.

“UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu liên hệ Sở Công Thương các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam có hàng nông sản xuất khẩu hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu khi đang diễn ra tình trạng ùn tắc như hiện nay. Khi nào bên TQ tạo điều kiện cho hàng hóa thông quan được nhiều hơn thì sẽ thông báo lại với các tỉnh” - ông Vượng cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới